Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó có liệt kê danh sách hàng loạt các DNNN sẽ được tiến hành thoái vốn Nhà nước trong vòng 4 năm nữa.
Cụ thể, trong số các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, có cái tên rất đáng chú ý là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Như vậy, Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 100% vốn tại 5 ngân hàng bao gồm ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, ngân hàng Phát triển Việt Nam và ba ngân hàng đã được mua lại 0 đồng. Bên cạnh Agribank, còn có các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Công ty mẹ) và Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.
Sẽ thoái vốn Nhà nước khỏi Agribank trong thời gian tới |
Còn nhóm mà Nhà nước sẽ giữ dưới 50% vốn điều lệ có tổng số 106 doanh nghiệp. Có thể kể đến như: Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam (VTV cab) ... Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số doanh nghiệp nằm trong nhóm này nhiều nhất khi lần lượt góp 12 và 36 doanh nghiệp.
Về số lượng các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm 100% vốn điều lệ là tổng số 103 doanh nghiệp. Trong đó vẫn là những cái tên quen thuộc như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) ...