Cùng với đó, nhiều héc ta đất nông nghiệp bị các hộ dân tự ý chuyển nhượng, cho thuê, dẫn đến nguy cơ mất dần đất nông nghiệp và xuất hiện tình trạng đất bỏ hoang, gây lãng phí.
Đất nông nghiệp bị “biến tướng”
Theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây, các hộ gia đình liên tục canh tác tại khu vực bãi bồi ven sông Đuống thuộc địa phận thôn Cống Thôn, xã Yên Viên. Từ khi các DN xây dựng nhà xưởng tại khu vực này thì hoạt động sản xuất nông nghiệp dần kém đi. Các hộ gia đình nhận thấy việc canh tác không còn hiệu quả nên đã cho các DN thuê lại đất. Bên cạnh những đơn vị sản xuất cũ, liên tục xuất hiện thêm các nhà xưởng mới khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Các hoạt động sản xuất này không chỉ khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng, cả phần diện tích bờ bãi ở ven sông cũng bị đe dọa, vi phạm hành lang thoát lũ trên tuyến đê tả Đuống khi các DN tận dụng làm bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD.
Ghi nhận thực tế tại địa phương chiều 16/11, chúng tôi được biết, nguồn gốc đất của khu vực bãi bồi ven sông Đuống thuộc địa phận thôn Cống Thôn là đất nông nghiệp được người dân sử dụng canh tác cây ăn quả. Tuy nhiên đến nay, phần diện tích đất này hầu hết bị “biến tướng” thành nhà kho, nhà xưởng, bến bãi tập kết VLXD và các cơ sở sản xuất, trạm trộn bê tông. Chỉ một đoạn sông ngắn chảy qua khu vực thôn Cống Thôn, cạnh cầu sông Đuống, đã xuất hiện một số trạm trộn bê tông và bãi tập kết VLXD. Tại nhà xưởng của Công ty CP Đức Mạnh, nhiều nhân công vẫn đang tập trung sản xuất, cách đó không xa là trụ sở công ty, đều được xây dựng trên đất nông nghiệp. Tại khu vực bãi bồi ven sông Đuống, tàu thuyền, máy xúc, ô tô ra vào nườm nượp. Xung quanh khu vực này bị ô nhiễm môi trường; các con đường luôn trong tình trạng xuống cấp; đồng thời xuất hiện hàng đống phế thải, VLXD đổ ven đường.
Thu hồi nếu sử dụng sai mục đích
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Kỷ - Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết, mới đảm nhận chức vụ này khoảng 3 tháng nên chưa nắm hết được công tác quản lý đất đai trên địa bàn. “Hiện có 8 đơn vị thuê đất nông nghiệp của các hộ dân tại thôn Cống Thôn, chủ yếu làm nhà xưởng, bến bãi tập kết VLXD. Thậm chí, đất công của xã cũng được cho thuê. Mỗi DN thuê diện tích sử dụng khoảng 5.000 - 10.000m2 đất. Hoạt động sản xuất của các đơn vị tại đây không chỉ mới diễn ra mà đã có từ rất lâu rồi, có DN thuê đất từ những năm 1996, 1997 và phát triển dần. Cũng bởi đất nông nghiệp khu vực này là đất cát, sản xuất kém hiệu quả, không trồng được cây; thậm chí vẫn còn diện tích đất bỏ hoang nên người dân đã cho các DN thuê lại” – ông Kỷ chia sẻ.
Thế nhưng, khi phóng viên hỏi, các DN hoạt động sản xuất và làm bến bãi tập kết VLXD ở khu vực này có được cho phép, cấp phép hay không, ông Kỷ cho biết: “Các DN đang làm thủ tục nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Việc hoạt động của các DN như vậy là trái phép. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các DN hoạt động nghiêm túc, và chưa người dân nào kiến nghị hay phản ánh với chính quyền về hoạt động sản xuất tại nơi đây. Có thể sang năm 2016, các đơn vị này sẽ được cấp phép” - ông Kỷ đưa ra dự đoán.
Trong khi đó, GS.TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, nếu đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng, việc các DN tự ý xây dựng trụ sở, xưởng sản xuất, làm bến bãi tập kết VLXD như vậy là trái pháp luật, về nguyên tắc phải thu hồi đất. Nếu quyền sử dụng đất thuộc các hộ dân, UBND cấp huyện phải ra quyết định thu hồi; nếu quyền sử dụng đất thuộc các DN, UBND cấp tỉnh ra quyết định thu hồi.
Thực trạng hoạt động sản xuất, làm bến bãi tập kết VLXD trái phép của các DN trên phần diện tích đất nông nghiệp thuộc địa phận quản lý của xã Yên Viên diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý, phải chăng có sự “chống lưng” của ai đó? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhà xưởng “mọc” trên đất nông nghiệp tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Ảnh: Thái San
|