Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng ngoại giả mạo xuất xứ: Làm sao để hàng Việt không bị vạ lây?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng khi Mỹ liên tục áp thuế suất trừng phạt lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để lẩn tránh thuế, nhiều DN Trung Quốc đã tìm cách đưa hàng vào Việt Nam để thay đổi xuất xứ hàng hóa. Các chuyên gia nhận định, nếu Việt Nam không quyết liệt chống gian lận xuất xứ, có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt DN Việt Nam.
Gia tăng tình trạng hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt
Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) vừa phát hiện một DN nhập tơ tằm Trung Quốc, sau đó thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa xuất xứ Trung Quốc sang hàng Việt Nam sản xuất để xuất khẩu (XK) đi Ấn Độ. Hành vi này nhằm tránh thuế suất cao bởi tơ tằm từ Trung Quốc XK sang Ấn Độ phải chịu thuế nhập khẩu 25%, còn từ Việt Nam chỉ có 5%.
 Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại siêu thị HC. Ảnh: Lê Nam
Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại - Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) Claudio Dordi cho biết: Việc núp bóng xuất xứ hàng hóa không phải là hiện tượng mới đối với thương mại Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay USAID đã phát hiện một loạt sản phẩm như xe đạp, giày mũ da, bật lửa, kẽm ô xít Trung Quốc mượn danh Việt Nam để XK sang EU, Mỹ.
Báo cáo của Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho thấy, từ 2019 đến đầu năm nay, đơn vị đã phát hiện 76 vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa. Hành vi chung của các DN là nhập hàng từ Trung Quốc sau đó chỉ thực hiện vài thao tác "lắp ráp đơn giản” để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản…
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn nêu rõ: Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định FTA nên nhiều mặt hàng Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, hiện chính quyền Mỹ đã áp đặt bổ sung các mức thuế với nhiều mặt hàng Trung Quốc với mức từ 7,5 – 285%, trong khi Việt Nam được hưởng mức thuế thấp hơn. Do đó, nhiều mặt hàng Trung Quốc đã gia tăng "đội lốt" Việt Nam XK vào thị trường Mỹ để hưởng ưu đãi thuế.
Chưa có chế tài đủ mạnh
Nhận thức được các nguy cơ, rủi ro khi hàng ngoại giả mạo xuất xứ Việt Nam XK sang các nước ký kết FTA với Việt Nam là để hưởng thuế suất ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, nhiều quy định pháp luật chưa đủ mạnh để ngăn chặn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để trốn thuế.
Phân tích về những bất cập trong việc xử lý hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để trốn thuế, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu rõ: Bộ luật Hình sự hiện nay chỉ có chế tài xử lý đối với tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả… nhưng chưa có chế tài xử phạt tội giả mạo xuất xứ hàng hoá. Thậm chí khái niệm “chuyển tải bất hợp pháp” cũng không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào.
Đồng tình với phân tích này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa Việt Nam nhưng tại điều 9 Nghị định này quy định “Công đoạn gia công chế biến giản đơn” chưa rõ ràng, đầy đủ. Điều này dẫn đến việc xác định DN chỉ gia công giản đơn cho DN nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương đã có Thông tư 149/2014/TT-BTC quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách Nhà nước. Thế nhưng thông tư này mới áp dụng với DN kinh doanh, sản xuất xuất khẩu (chủ thể của hàng hóa vi phạm) tại Việt Nam, không nhắc đến DN Việt Nam gia công cho DN nước ngoài.
“Vì vậy cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với DN gia công do đơn vị thuê gia công, giả mạo xuất xứ hàng hóa ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam” - ông Kiên kiến nghị.
Để khắc phục những điểm yếu của quy định pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa.

"Để ngăn chặn tình trạng hàng ngoại “núp bóng” hàng Việt để lẩn tránh thuế từ nước khác đòi hỏi cơ quan quản lý cần siết chặt việc cấp C/O. Theo đó, không cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không bảo đảm thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.

Trước khi cấp C/O, cơ quan chức năng cần lưu ý các DN nước ngoài thuê DN Việt Nam làm các công đoạn gia công đơn giản như đóng gói bao bì, dán nhãn... Đặc biệt, cần siết chặt kiểm tra đối việc các DN FDI tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc