Cửa hiệu bán đồ Thái Lan của chị Thủy trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội từ hơn một tuần nay đã bị trống vài vị trí. Một số sản phẩm nhựa như dép, chậu, rổ, hàng mỹ phẩm đã bán sắp hết nhưng chưa thể nhập được hàng mới. Chỉ tay vào ngăn bày hộp đựng cơm hâm nóng, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, chị Thủy chia sẻ, số lượng còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Trong kho không còn chiếc nào, bày ở đây mỗi loại cũng chưa đến 5 cái, nếu bán hết thì e chừng phải tạm nghỉ vì không chắc đã có hàng về", chị Thủy nói. Lý do là bởi mặt hàng chất liệu nhựa, mỹ phẩm, đầu mối cung cấp đã kêu khó vận chuyển, còn hàng điện tử càng nan giải hơn. Nhất là khi nhiều nhà máy sản xuất linh kiện tại Thái đều ngập sâu trong nước. Vẫn nhập được hàng về song anh Thắng, chuyên kinh doanh sản phẩm Thái Lan trong phố Đông Các, Hà Nội chịu tăng thêm chi phí vận chuyển. Nếu như trước kia, phía cung cấp thanh toán toàn bộ tiền đi lại thì nay lũ lụt, công đoạn này gặp nhiều khó khăn, nếu muốn tiếp tục nhập hàng, anh phải chịu 30% khoản tiền này. "Họ nói nếu áp dụng như trước kia thì công đi lại không đủ vốn, mình muốn có hàng thì phải chia sẻ tiền vận chuyển. Kể cả vậy thì một số sản phẩm vẫn thiếu hoặc phải chờ hơn một tuần mới có", anh Thắng nói. Theo chủ kinh doanh này, đó không phải là lý do duy nhất khiến hàng Thái Lan trên thị trường tăng giá. Bản thân các sản phẩm tiêu dùng từ Thái cũng đắt lên, khiến nhà cung cấp của anh phải điều chỉnh nâng giá để đảm bảo doanh thu. Đây cũng là nguyên nhân được nhiều người kinh doanh lĩnh vực này giải thích cho việc một số sản phẩm tiêu dùng Thái Lan tăng giá từ 5% đến 15% trong thời điểm này. Theo đó, sản phẩm nhựa như xô, chậu, hộp đựng đồ tăng 5-7%, mỹ phẩm tăng khoảng 10%, đồ điện tử tăng 5-10%, hàng tiêu dùng bao gồm nước giặt, nước xả, dầu gội tăng đến 12-15%. Đơn cử như chiếc chậu nhựa cỡ vừa, giá từ 57.000 đồng lên 60.000 đồng, hộp kem dưỡng nẻ toàn thân từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng, nước xả vài từ 85.000 đồng lên 97.000 đồng... Tăng giá từ 50.000 đồng trở lên là các sản phẩm đồ điện như hộp đựng cơm có chức năng hâm nóng, từ 350.000 đồng lên 400.000 đồng, nồi cơm điện từ 650.000 đồng lên 720.000 đồng... Dù vậy, theo phản ánh của các tiểu thương, hàng Thái Lan vẫn bán chạy, thậm chí không đủ để cung ứng cho thị trường. Tại cửa hàng của chị Thủy trên phố Hoàng Hoa Thám, một vị khách bước vào và muốn mua 2 chục hộp kem dưỡng nẻ, loại 45.000 đồng nhưng chị không còn đủ số lượng đó để bán. Chị Thủy nhắn chờ nửa tháng nữa hoặc chuyển sang loại khác nhưng vị khách cho hay đã dùng thử loại kem đó, thấy thích nên muốn mua về quê làm quà cho người thân vào buổi sớm ngày hôm sau. "Em trả chị thêm 5.000 mỗi hộp, chị cố kiếm đủ và kịp cho em", cô gái nói. Song chị Thủy cũng đành từ chối. Việc hàng Thái Lan tăng giá và khan hiếm trong thời gian này còn ảnh hưởng đến thói quen của một bộ phận người tiêu dùng. Đứng xem sản phẩm trong gian mỹ phẩm tại một siêu thị lớn ở Hà Nội, Thu Thúy, sinh viên năm cuối Đại học Hà Nội muốn chọn một hộp kem dưỡng da. Thúy cho biết, cô vốn thích sử dụng hàng xách tay từ Thái, nhưng đi tìm mấy ngày nay mà không có loại vẫn dùng. "Em hỏi ở mấy cửa hàng hay mua, họ đều bảo hết. Lần này vào siêu thị, nếu tìm được thì tốt, không thì em sẽ mua một hộp kem nẻ sản xuất trong nước để dùng", Thúy chia sẻ. Cô bạn còn khẳng định, nếu lần "thử nghiệm" này thành công, cô sẽ chuyển sang xài hẳn sản phẩm nội để an tâm là lúc nào cũng sẵn hàng.