KTĐT - Đến nay, hàng nông sản Việt đã dần chiếm ưu thế tại các siêu thị trên cả nước, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và góp phần giảm đáng kể lượng hàng nhập khẩu.
Doanh nghiệp phân phối liên kết với nhà cung cấp cùng với việc tăng cường liên kết “bốn nhà” là hướng đi vững chắc cho hàng nông sản Việt Nam ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần giảm nhập khẩu.
Đến nay, hàng nông sản Việt đã dần chiếm ưu thế tại các siêu thị trên cả nước, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và góp phần giảm đáng kể lượng hàng nhập khẩu.
Siêu thị liên kết với nhà cung cấp
Để có được những kết quả này, các hệ thống siêu thị đã có chiến lược kết nối với nhà cung cấp các tỉnh nhằm tạo điều kiện giúp họ đưa hàng nông sản tiêu thụ hiệu quả và tạo thương hiệu giá trị sản phẩm ngày một tăng cao.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang- đại diện hệ thống BigC Việt Nam- cho biết, BigC đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo bàn bạc với các nhà cung cấp mỗi tỉnh, nơi mà siêu thị mở ra nhằm giúp họ có thể đưa hàng thuận lợi vào siêu thị. BigC bắt đầu thử nghiệm mô hình liên kết này từ giữa năm 2008 và đến nay BigC đã hợp tác thành công trong việc quảng bá thương hiệu cho trên 30 công ty địa phương chủ yếu trong các lĩnh vực nông sản, may mặc, thực phẩm… được cụ thể hóa bằng những kế hoạch đến năm 2011 trên tất cả các tỉnh thành của Việt Nam.
Theo bà Lê Quang Thục Quỳnh- Giám đốc Marketing Saigon Co.op, để có lượng hàng chất lượng, giá hợp lý bán tại siêu thị, Saigon Co.op phải đến các vùng nguyên liệu (Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cần Thơ...) tìm kiếm nhà cung cấp nông sản đồng thời thông qua các Sở NNPTNT TPHCM, Tiền Giang, Lâm Đồng ký hợp đồng thu mua rau an toàn với một số hợp tác xã sản xuất rau tại đây.
Saigon Co.op sẽ đầu tư và tạo điều kiện để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food thường xuyên và ổn định. Tổng số vốn đầu tư cho chương trình này khoảng 15 tỷ đồng. Trước đó, Saigon Co.op đã ký hợp đồng tiêu thụ hàng nông sản với Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang và sắp tới sẽ tiếp tục ký với những tỉnh thành khác nhằm đảm bảo đầu vào của hàng nông sản tại các hệ thống phân phối trực thuộc. Đây là chương trình hành động trong chương trình bình ổn giá do UBND TP HCM giao cho Saigon Co.op thực hiện.
Ông William Savage- Giám đốc Mua hàng của Metro Việt Nam cho biết, trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng tại một thị trường nội địa, Metro huấn luyện và giúp nhà sản xuất địa phương làm quen để có thể cung cấp và hội nhập vào các kênh thương mại hiện đại. Ngoài ra hệ thống còn đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển để bảo quản hàng trước khi đưa tới tiêu thụ tại hệ thống. Tất cả việc mua bán giữa Metro và nông dân đều không qua thương lái. Metro cũng có kế hoạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, chủ yếu vào hệ thống Metro trên toàn thế giới, cũng dựa vào nguồn nguyên liệu mà họ hợp tác đầu tư với nông dân.
Hiện nay, lượng hàng nông sản của Việt Nam chiếm tới 90% trong tất cả các hệ thống siêu thị trong cả nước.
Nhà nước, nhà khoa học và Hội Nông dân vào cuộc
Mặc dù các siêu thị có những qui định bắt buộc về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa, sự ổn định của nguồn hàng… với các đơn vị ký kết, những “thủ tục” này đã tạo ra những ngần ngại ban đầu, nhưng khi các nhà khoa học vào cuộc phân tích, hướng dẫn giúp nhà nông thấy rõ lợi ích lâu dài và những đảm bảo tài chính, sự hỗ trợ tận tình về mặt kỹ thuật đã tạo được sự thay đổi trong quá trình canh tác của nhà nông.
Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, sự liên kết giữa các siêu thị và nhà cung cấp nông sản trên địa bàn đã tạo ra một hướng đi mới trong lĩnh vực tiêu thụ hàng nông sản địa phương. Từ chỗ người dân chỉ biết sản xuất và tiêu thụ nhỏ giọt tại các chợ, giờ đây những mặt hàng họ làm ra đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị lớn như Big C, Co.opMart, Thuận Thành... Còn người tiêu dùng thì yên tâm hơn vì được sử dụng hàng hóa đảm bảo VSATTP, giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, để hàng nông sản thực sự có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị cần đẩy mạnh việc liên kết “bốn nhà”, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa nâng cao chất lượng hàng nông sản địa phương, với sự tham gia của Nhà nước và nhà khoa học, chắc chắn việc đưa các sản phẩm nông nghiệp giá phải chăng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đạt được thành công.
Hội nghị “Hợp tác và xúc tiến thương mại” do Hội Nông dân và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa diễn ra ngày 2/11 cũng nhằm mục tiêu tìm giải pháp cho nông dân, chủ trang trại và các doanh nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội cung cấp hàng hóa ổn định cho hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch HĐQT Hapro đề nghị được hợp tác với các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội, theo đó, Hội Nông dân cung cấp nhiều địa chỉ sản xuất nông sản và là cầu nối cho Hapro và nông dân , chủ trang trại, HTX gặp nhau.