Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng quán “hốt bạc” dịp đầu năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi hầu hết quán xá đều nghỉ Tết thì cũng có những hàng quán “phục vụ không nghỉ”. Trở thành “độc tôn”, họ có những ngày làm ăn “hốt bạc” dịp đầu năm.

KTĐT - Khi hầu hết quán xá đều nghỉ Tết thì cũng có những hàng quán “phục vụ không nghỉ”. Trở thành “độc tôn”, họ có những ngày làm ăn “hốt bạc” dịp đầu năm.

“Kinh doanh trong 5 ngày Tết, doanh thu bằng cả hai tháng”, anh Chiến, chủ một tiệm cà phê trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) hồ hởi với kết quả nhẩm tính ban đầu về hoạt động kinh doanh dịp Tết. Trước Tết cả nửa tháng, anh Chiến đã lên kế hoạch “mở quán xuyên giao thừa” bằng việc tuyển nhân viên, dự trữ hàng hóa.
 
Và đúng như dự định, do nhiều quán nghỉ Tết nên quán cà phê của anh trở thành “của khó tìm”, ngay từ mùng Một đã có những thời điểm hết chỗ.
 
Không chỉ quán cà phê này mà nhiều quán cà phê, nhà hàng khác làm việc xuyên Tết cũng “bội thu” khi mà nhu cầu quán xá trong ngày Tết của người dân vẫn còn mà số lượng hàng quán lại giảm đi. Chưa kể, do phục vụ vào ngày đặc biệt nên giá cả dịch vụ cũng được nâng lên đáng kể.

Theo đánh giá của anh Chiến, cách đây vài năm, mở cửa dịp Tết còn đông khách hơn nữa khi mà rất ít quán bán vào dịp Tết. Gần đây thì Tết không còn là ngày nghỉ khi khá nhiều quán tranh thủ kinh doanh. Hơn nữa, hàng quán giờ cũng nghỉ Tết ít hơn trước, chỉ đến mùng 5, mùng 6 gần như mọi hoạt động buôn bán đều đã bình thường trở lại. Dù việc "đơn thương độc mã" đã giảm đi so với trước đây nhưng mở cửa ngày Tết vẫn cứ "trúng đậm".
 
Các ngày từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, các quán lớn cho đến các quán ăn vỉa hè mở cửa đón khách, hàng nào hàng nấy đông nghẹt. Nhất là vào buổi tối, khi người dân đổ ra đường vui chơi, nhu cầu ghé vào hàng quán cao, nhiều hàng phục vụ không xuể.
 
Các quán cà phê ở đường Hoàng Minh Giám (Phú Nhuận), đường Đồng Khởi, Hai Bà Trung (Q.1)… rồi các quán nhậu, hàng ăn ở Bắc Hải (Q.10), Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp)… luôn rơi vào cảnh quá tải. Có những thời điểm, khách hàng ghé vào nhưng rồi phải quay ra vì hết chỗ.
 
“Chúng tôi biết rõ nhu cầu ăn uống của người dân trong ngày Tết không giảm, trong khi hàng quán ở thành phố đóng cửa nên mình mở hàng, cỡ nào cũng đắt khách. Vất vả trong ngày mọi người vui chơi, nghỉ ngơi nhưng bù lại mình kiếm được khoản khá mà ngày thường khó kiếm nổi”, chủ hàng phở Hà Nội trên đường Nguyễn Oanh (Q. Gò Vấp) cho hay.
 
Ảnh minh họa
Đến nhiều hàng ăn cũng đón khách không hết
 
Hàng quán rong bán hàng ngày Tết cũng “được mùa”. Số lượng hàng rong tuy ít hơn ngày thường nhưng hàng nào mở thì khách đông hơn thấy rõ. Các hàng rong bán ở khu công viên Gia Định, đường hoa Nguyễn Huệ cho đến khắp ngõ ngách… lúc nào cũng kín khách.
 
“Mỗi ngày có cả trăm người bán, giờ chỉ một phần nhỏ trong khi khách đi chơi ăn uống vẫn nhiều nên hàng nào cũng đông lắm. Ngày nào tôi cũng bán vài trăm bắp ngô luộc, còn chồng tôi bán trứng gà nướng gấp 3 - 4 lần ngày thường”, chị Lê Thị An, bán bắp dạo trước đường hoa Nguyễn Huệ hớn hở khoe.
 
Giá dịch vụ ăn uống trong các ngày Tết từ quán lớn cho đến quán vỉa hè đều tăng từ 10 - 20% so với ngày thường. Lý giải của những người buôn bán, giá tăng với mức trên nhưng không đồng nghĩa với việc họ “chặt chém” khách hàng.
 
Chị Hà, chủ quán ăn trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8 cho hay, mỗi bát phở, hủ tiếu trong ngày Tết chị bán 20.000 đồng, tăng 3.000 đồng so với ngày thường. Chị giải thích, giá nguyên liệu như thịt, bánh phở, hành, giá… dịp này đều tăng, rồi đến nhân viên phục vụ bình thường chỉ 50.000 đồng/ngày, ngày Tết phải trả gấp đôi, gấp ba mà còn khó kiếm.
 
“Giá bán phải tăng lên mới bù nổi, chứ làm ngày Tết mà bán như ngày thường ai người ta chịu. Hàng tôi tăng mức giá đó, khách đến ăn rất vui vẻ chấp nhận. Chỉ những hàng nào lấy cớ “ngày nghỉ” tăng quá mức thì đúng là không hay”, chị nhận xét.
 
Người phụ nữ này cho biết thêm, do ngày Tết đắt hàng, làm ăn được nên giờ bán đến Rằm tháng Giêng chị sẽ đóng quán một tuần nghỉ bù xem như ăn Tết muộn.