Chỉ còn hai tuần nữa là đến Têt Nguyên đán Giáp Ngọ, tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân phối thì sức mua trên thị trường trong năm nay không được mạnh bằng thời điểm này những năm trước. Người dân cũng bỏ dần thói quen tích trữ các mặt hàng thiết yếu, có chăng chỉ tăng nhu cầu mua các sản phẩm phục vụ nhu cầu biếu tặng dịp Tết.
Hàng Tết tại chợ đã tăng nhẹ
Bất chấp sức mua trên thị trường còn khá chậm, hàng hóa dư thừa, song như một “truyền thống”, cứ vào dịp cận Tết là trên thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu như đồ khô, bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống… lại có xu hướng tăng giá.
Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, các chủ tiệm đã chuẩn bị rất nhiều mặt hàng với số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu dịp Tết của người dân. Tuy vậy, do sức mua còn hạn chế nên mức tăng giá không nhiều.
Đối với mặt hàng đồ khô như tôm khô, hạt dẻ, hạt dưa, nấm…tăng giá khoảng 10-20%. Trong đó, nấm đông cô tăng hơn 20.000 đồng/kg; nấm hương có chỗ giá lên đến 340.000-360.000 đồng/kg; tôm khô cũng tăng lên 550.000 đến gần 1 triệu đồng/kg tùy loại.
Giá các loại hạt như hạt bí, hạt điều, hướng dương tăng khoảng 10%; các loại mứt hạt sen, mứt dừa, mứt bí tăng khoảng 10-15%. Mặt hàng dầu ăn, nước mắm, bột ngọt cũng tăng từ 5-10%.
Thịt lợn, thịt gà và thịt bò thường là những mặt hàng sẽ “sốt” giá vào thời điểm gần Tết, thì năm nay, tại một số chợ, các mặt hàng này chỉ tăng nhẹ từ 5-10%.
Năm nay kinh tế tiếp tục khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua sẽ không tăng đột biến trong dịp Tết. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cung ứng các mặt hàng bình ổn giá khá đa dạng và với số lượng lớn nên giá cả sẽ không biến động nhiều. Các tiểu thương dự đoán, phải đến cận Tết, ngoài 23 tháng Chạp thì sức mua mới có khả năng tăng mạnh, giá cả hàng hóa có thể tăng thêm khoảng 5-10% nữa.
Sức mua còn yếu
Dạo quanh các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như Big C, Fivimart,… người mua sắm cũng bắt đầu đông dần lên, sức mua được đánh giá là tăng thêm khoảng 20-30% so với thời điểm cách đây 1 tuần.
Tại siêu thị Big C, tối 13/10, nhộn nhịp cảnh người dân đi mua sắm Tết. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, gạo,… các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia cũng rất được ưa chuộng.
Một nhân viên siêu thị cho biết, người mua sắm đã tăng lên khá nhiều. Họ bắt đầu mua nhiều các món hàng phục vụ nhu cầu biếu tặng cho dù đa phần các mặt hàng đều tăng giá so với trước đây. Song so với thời điểm này năm trước thì sức mua còn kém đôi chút.
Người dân thường có tâm lý mua sắm Tết là mua nhiều và sớm để tránh bị mua đắt do càng gần Tết, giá cả hàng hóa càng tăng. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm Tết của người dân đang dần thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần như trước đây, người dân chỉ mua thực phẩm đủ ăn trong 2-3 ngày, do đến ngày mùng 2 Tết một số chợ đã bắt đầu hoạt động trở lại. Do đó, sức mua của người dân đến thời điểm này không tăng đột biến.
Hàng Việt được ưa chuộng
Điểm đặc biệt trên thị trường hàng hóa Tết năm nay là các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn hơn 90% trong tổng lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, giá bánh kẹo, dầu ăn, bia rượu của nhiều hãng sản xuất trong nước năm nay không tăng, thậm chí một số hãng còn giảm giá từ 5-10%, lại có mẫu mã, bao bì được cải tiến khá bắt mắt.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập ngoại tăng giá thêm 10-20%, nên đa phần khách hàng chọn hàng nội, có mức giá phải chăng./.