Thầy Phan Long Hiệp - Hiệu trưởng trường THCS Phổ Khánh cho biết: "Tùy theo hệ số lương và phụ cấp của từng trường hợp mà mỗi cán bộ, giáo viên của trường có số tiền bị trừ khác nhau, từ 100.000 đồng đến 290.000 đồng/người. Trường THCS Phổ Khánh có 44 cán bộ giáo viên, tổng cộng số tiền bị trừ gần 17,2 triệu đồng. Đợt 1 đã nộp cho xã gần 8,6 triệu đồng”.
Trường THCS Phổ Khánh, một trong những nơi cán bộ giáo viên bị xã trừ lương trong 2 tháng liên tiếp. |
Thầy Hiệp cũng thông tin, tại cuộc họp vào cuối năm 2018, sau khi giải thích nguồn kinh phí ngân sách đã xin và được cấp để mở rộng nghĩa trang liệt sĩ của xã vẫn còn thiếu, chính quyền xã Phổ Khánh đề nghị cán bộ, giáo viên ở 3 bậc học Mầm non, Tiểu học và THCS ở địa bàn đóng góp 2 ngày lương. Tiền lương bị trừ được chia làm 2 đợt vào tháng 2 và 3/2019.
Theo thầy Hiệp, từ trước đến nay chưa từng nghe chuyện chính quyền vận động giáo viên góp tiền mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, khi tham gia họp không thấy lãnh đạo các trường khác có ý kiến phản đối, nên cứ theo tinh thần cuộc họp để làm. Sau cuộc họp này trở về, thầy Hiệp phổ biến chủ trương trên cho cán bộ, giáo viên và không thấy ai có ý kiến, lãnh đạo trường THCS Phổ Khánh đã giao cho bộ phận kế toán thực hiện.
Không riêng trong hệ thống giáo dục (khoảng 110 người ở trong 3 bậc học, cả cán bộ và nhân viên đang công tác tại xã Phổ Khánh cũng phải đóng góp tiền để mở rộng nghĩa trang liệt sĩ.
Qua trao đổi với chính quyền địa phương, ông Phạm Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết: "Hiện nghĩa trang liệt sĩ của xã quá nhỏ và chật hẹp, chỉ khoảng 2.000m2, nên nguyện vọng của cả người dân và chính quyền là mở rộng thêm ra. Theo dự kiến sẽ mở rộng lên 6.000m2 với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí cấp trên hạn hẹp, bố trí không đủ, ngân sách địa phương lại khó khăn nên lãnh đạo xã đã họp bàn, thống nhất đưa ra chủ trương vận động người dân, cán bộ, nhân viên của xã và giáo viên cùng đóng góp để làm".
Theo ông Oanh, chủ trương của xã là vận động tự nguyện, không phải bắt buộc. Trong quá trình triển khai có thể lãnh đạo của các trường nắm không kỹ nên đã thực hiện trừ 2 ngày lương của giáo viên, dẫn đến hiểu nhầm là bị bắt buộc. Đồng thời, việc triển khai vận động đã có sự đồng ý của lãnh đạo huyện.
Liên quan đến việc trừ tiền lương của giáo viên để lấy kinh phí mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ, ông Phan Bường - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Phổ cho biết chưa từng nhận được báo cáo hay phản ánh nào của các trường tại xã Phổ Khánh về vấn đề này.
“Trước kia việc xã hội hóa trong giáo dục thực hiện theo công văn 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 về việc Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Công văn này đã được bãi bỏ, hiện nay thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo quy định của ngành, việc các trường triển khai thu việc thu như các trường ở xã Phổ Khánh là không đúng quy định”, ông Bường nói.
Về trách nhiệm của nhà trường khi thu khoản tiền này, ông Bường khẳng định, theo căn cứ của pháp luật, sai đến đâu thì chịu đến đó.
Còn ông Trần Phước Hiền - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ khẳng định: “Huyện không hề có chủ trương về việc trừ lương của giáo viên để mở rộng nghĩa trang liệt sĩ, xã Phổ Khánh làm như vậy là sai. Vấn đề bây giờ đã sai thì phải sửa, phải xin lỗi, trả lại tiền cho giáo viên và thực hiện theo quy định khi kêu gọi hỗ trợ, đóng góp”.
Theo ông Hiền, việc kêu gọi đóng góp các khoản kinh phí phải trên cơ sở tự nguyện, không được áp dụng như thực hiện mệnh lệnh hành chính trong việc này.