Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm hộ dân bất an vì cây cầu xuống cấp tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì

Trúc Như
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều năm nay, người dân ở thôn Vị Nhuế, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì luôn bất an mỗi khi phải đi qua cầu Gỗ bắc qua dòng sông Tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng nói, đây là cây cầu trên trục đường chính của thôn Vị Nhuế nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của 240 hộ dân nơi đây.
Đã nghèo còn khó
Có mặt trên cây cầu của thôn Vị Nhuế không phải vào giờ tan tầm, lượng xe đi lại ít, thế nhưng cứ mỗi lần có xe đi qua, kể cả xe đạp điện, chúng tôi cũng cảm nhận khá rõ sự rung lắc của cây cầu. Cây cầu rộng chừng 2m với chiều dài khoảng 15m. Mặc dù có tên gọi cầu Gỗ nhưng mặt cầu được lát bằng những tấm bê tông tấm thò, tấm thụt rất nhiều khoảng hở lớn. Hai bên cầu, những thanh lan can bằng sắt đã han rỉ. Các hộ dân sống gần cầu cho biết đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với người và phương tiện khi qua cầu. Bà Nguyễn Thị Lý năm nay 55 tuổi ở thôn Vị Nhuế kể: “Gia đình tôi sống gần cây cầu Gỗ này nên đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn xảy ra. Có trường hợp người dân đi qua cây cầu do hai xe tránh nhau nên bị ngã xuống sông, chính con trai tôi là người đã cứu được người bị nạn. Các cháu học sinh nhiều khi sợ không dám đi, tôi đã nhiều lần phải cầm tay dắt các cháu qua cầu để kịp giờ đi học”.

Người dân luôn nơm nớp lo mỗi khi đi qua cầu Gỗ thôn Vị Nhuế đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Trúc Như

Theo ông Nguyễn Viết Đồng, 52 tuổi ở Vị Nhuế thì bà con ở đây kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi con lợn, con gà. Tuy nhiên, vì cây cầu Gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng nên người dân không dám chở hàng hóa, thức ăn cho vật nuôi hay vật liệu xây dựng làm nhà cửa qua đây vì sợ cầu sập. “Chính vì thế nên người dân trong thôn chúng tôi đành phải đi đường vòng qua đường Tỉnh lộ 88 xa thêm rất nhiều. Việc phải đi vòng sẽ khiến chi phí sản xuất, xây dựng bị đội lên nhưng người dân trong thôn đành chấp nhận vì không muốn gặp nguy hiểm!” - ông Đồng bộc bạch.
Cầu Gỗ bắc qua con sông Tích được xây dựng từ thời kỳ Pháp chiếm đóng những năm 1950. Ngày đầu mới xây cầu, mục đích chỉ để phục vụ cho người đi bộ là chính. Nhưng nay, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lượng xe lưu thông ngày một nhiều, cầu xây đã quá lâu xuống cấp trầm trọng nên không còn đảm bảo. Chiều cao từ mặt nước đến mặt cầu là 4m, mặt cầu gồm 14 tấm bê tông dầy khoảng 10cm ghép lại với nhau. Qua nhiều năm sử dụng, hiện trụ cầu đã bị bong tróc, mặt cầu trơ cả lõi sắt thép, mố chân cầu bị nứt toác. Hàng năm, người dân trong thôn đều góp tiền tu sửa cầu. Tuy nhiên, việc tu sửa chắp vá này chỉ mang tính tạm thời.
Mong sớm có một cây cầu an toàn
Bà Nguyễn Thị Ánh Thao - Trưởng thôn Vị Nhuế kể, vào mùa mưa, mực nước dâng cao mấp mé mặt cầu. Sau những trận mưa bão vừa qua cây cầu lại càng xuống cấp nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, người dân trong thôn đã hai lần góp tiền xây sửa lại hai bên trụ cầu và hàn gia cố lại phần lan can. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không dám đi xe qua cầu mà phải dắt bộ.
 Trụ cầu bị nứt
Trao đổi về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Cường- Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết, địa phương còn có 4 cây cầu cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trong số đó cây cầu ở thôn Bằng Lũng đã sập vào năm 2006, cây cầu Gỗ thôn Vị Nhuế đang có nguy cơ sập đổ nếu không được tu bổ, nâng cấp sớm. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã cùng với Nhân dân thôn Vị Nhuế có những phương án khắc phục tu bổ tạm thời. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên đến nay cây cầu Gỗ này đã xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn cho người dân khi qua lại. Mặt khác, hiện nay dự án sông Tích đang được thực hiện nên việc xây cầu phải chờ có sự phê duyệt của TP. Hiện tại, chính quyền và người dân nơi đây rất mong được các cấp chính quyền TP xem xét sớm có kế hoạch giúp địa phương có cây cầu mới để ổn định và phát triển sản xuất và đời sống.
Việc mong mỏi có một cây cầu đảm bảo an toàn của chính quyền và trên 240 hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu thôn Vị Nhuế là chính đáng, rất mong các cấp chính quyền TP sớm quan tâm để người dân không còn nỗi lo mỗi khi qua cầu, nhất là vào mùa mưa bão.