70 năm giải phóng Thủ đô

Hàng trăm lao động mẫu mực sang Hàn Quốc làm việc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục công bố danh sách cụ thể về người lao động mẫu mực xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của chính phủ Hàn Quốc (gọi tắt là EPS).

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, theo kế hoạch xuất cảnh ngày 18/1/2016 của Trung tâm lao động ngoài nước, 28 lao động Việt Nam sẽ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ tập trung tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước (nằm trong khuôn viên trường ĐH Đại Nam, địa chỉ: Số 01 phố Xốm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) vào lúc 07h30 ngày thứ Hai (18/01/2016) để làm các thủ tục theo quy định trước khi xuất cảnh. Và theo thông báo kế hoạch xuất cảnh ngày 20/01/2016 của người lao động mẫu mực đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sẽ có 30 người được lựa chọn xuất cảnh.

Để tránh trường hợp người lao động sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, phải về nước vì lý do kết quả xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện, Trung tâm cũng đề nghị người lao động được chọn trước thời gian xuất cảnh (khoảng 3-4 ngày) không sử dụng các loại thuốc có thành phần là Codein, Scopolamin, các hoạt chất có trong cây thuốc phiện, bao gồm các loại thuốc sau đây: thuốc ho, thuốc giảm đau, thuốc chống say tàu xe, thuốc đi ngoài, thuốc chống nôn. Nếu đến muộn dẫn đến bị hủy chuyến bay người lao động sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đây là hai đợt xuất cảnh tiếp theo sau ba đợt xuất cảnh đã được Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức thực hiện trong năm 2016 (ngày 4/1, 6/1 và 11/1). Như vậy, tính từ ngày 1/1/2016 đến ngày 11/1/2016 đã có 119 lao động mẫu mực của Việt Nam được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Được biết, năm 2012 Hàn Quốc không ký lại Bản thỏa thuận về tiếp nhận lao do có quá nhiều người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc hết hợp động mà không về nước.

Từ cuối năm 2013 đến nay, Hàn Quốc mặc dù tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng số người lao động được xuất cảnh rất hạn chế; chỉ ưu tiên người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng thời hạn được tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc. Theo rà soát của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/11/2015, còn 15 tỉnh, thành phố có số lượng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao.

Để tránh tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc ở lại cư trú bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ LĐTB&XH về việc miễn xử phạt hành chính theo Nghị định 95/CP đối với lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc tự nguyện về nước (thời gian từ ngày 1/9 đến 31/12/2015). Theo chính sách này, nếu những lao động bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc tự nguyện xin về nước thì phía Hàn Quốc sẽ miễn xử phạt và thời gian cấm nhập cảnh cũng giảm xuống chỉ còn 2 năm so với 5 năm như trước đây. Tuy nhiên, cho đến nay số lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao.

Thậm chí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã dẫn đầu đoàn công tác gồm Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước về làm việc với các địa phương vẫn còn nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc để chỉ đạo, quán triệt, và yêu cầu các địa phương tích cực hơn trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm dành cho lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc về nước nhằm giảm số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong thời gian tới.