Để giải quyết vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh cho rằng, rất cần sự hợp tác từ phía DN.
Là trường đào tạo nghề gắn với các khu công nghiệp (KCN), ông có đánh giá gì về thực trạng sa thải lao động trên 35 tuổi hiện nay?- Hơn 10 năm đào tạo đội ngũ công nhân, chúng tôi nhận thấy người lao động (NLĐ) làm việc tại các KCN không giữ được việc làm sau độ tuổi 35 là rất phổ biến. Lý do căn bản bởi mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 1990 đến nay chủ yếu khai thác thị trường lao động giá rẻ. Hầu hết lao động được tuyển dụng đều chưa có kỹ năng. Trong khi đó, đặc trưng của các mô hình công nghiệp lắp ráp chỉ là lao động phổ thông. Sau độ tuổi vàng 18 – 35, khả năng nhanh bị suy giảm cộng với các vấn đề khác liên quan đến gia đình, sức khỏe... Đã có rất nhiều công nhân không chịu được áp lực, phải tự động nghỉ việc mà chưa cần công ty sa thải.
Tới đây, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, các hệ thống thông minh sẽ thay thế sức lao động của con người. Một dây chuyền trước kia có hàng nghìn công nhân làm việc chỉ cần 1 – 2 người. Tất nhiên, NLĐ không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị mất việc. Điều nguy hại, những người này thường ở độ tuổi sau 35 hoặc sớm hơn. Trong khi đó, thời điểm này việc học nghề đối với họ gặp nhiều khó khăn cả về tài chính và thời gian, đặc biệt là lao động nữ. Bây giờ, chúng ta phải chấp nhận cả một lớp người có thể mất việc làm. Vì thế rất cần Nhà nước sớm có những hoạch định chính sách để đào tạo và giải quyết việc làm cho họ, nếu không xã hội sẽ phải đối mặt với hệ lụy rất lớn.
Pháp luật chưa có quy định DN không được sa thải lao động, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là với đối tượng trước, trên 35 tuổi. Giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?- Chúng ta không thể cấm DN sa thải lao động, mà chỉ yêu cầu họ thực hiện trách nhiệm đối với NLĐ. Tất nhiên, NLĐ chỉ giữ được việc làm nếu như khẳng định có tay nghề, năng lực đáp ứng được yêu cầu của DN. Thực tế, có rất nhiều DN khai thác lao động trong độ tuổi vàng và sau khi không cần dùng nữa thì họ chấm dứt hợp đồng.Nếu Chính phủ quan tâm sẽ giải quyết được bài toán sử dụng lao động theo thời gian, mùa vụ.
Ông cho rằng, để NLĐ có cơ hội giữ được việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập, thì đào tạo phải sát với nhu cầu của DN. Nhưng sẽ rất khó thực hiện bởi chúng ta không thể dự báo được chỉ tiêu cụ thể ở từng nhóm ngành?- Đúng là đào tạo sát với DN là vấn đề không đơn giản, bởi nền kinh tế của chúng ta đang phát triển. Các DN đầu tư hầu hết là vừa và nhỏ, tầm nhìn dài hạn chưa thể xác định được. Nhưng tôi cho rằng, một giải pháp cần làm là chính sách hỗ trợ hoặc hợp tác từ phía DN để đào tạo lại những NLĐ đang làm trong KCN để chuẩn bị cho họ tương lai khác. Đây là trách nhiệm của Nhà nước cũng như DN. Với giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH có vai trò rất lớn, nhưng chỉ có thể làm được khi có sự hỗ trợ của DN và thay đổi trong nhận thức của NLĐ. Ngoài ra, khi DN tham gia vào sử dụng lao động rất cần sự gắn kết chặt chẽ với nhà trường để giải quyết vấn đề.
Xin cảm ơn ông!