Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng vạn người đổ về quê ăn Tết, bến xe, sân bay đông nghẹt thở

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu vào những ngày nghỉ Tết Âm lịch lượng khách đổ về các bến xe tăng cao, dẫn đến cảnh chen chúc xếp hàng, nhiều người phải đợi vài giờ đồng hồ mới lên được chuyến xe về quê.

Tắc nghẽn trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: VOV.
TP Hà Nội: 
Đại diện bến xe Giáp Bát cho biết, theo tính toán lượng khách đi các tỉnh có thể tăng hơn 50% trong những ngày này. Hiện bến xe Giáp Bát đang tăng cường thêm 150 - 170 tuyến mỗi ngày để đảm bảo phục vụ hết người dân. Tuy nhiên, nhiều hành khách không chịu vào bến mua vé, mà chờ đợi bắt xe trên đường, khu vực xung quanh bến xe khiến tình hình giao thông thêm lộn xộn.

Tương tự, ghi nhận tại các Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm… tình trạng hành khách chen lấn xếp hàng dài để lên xe cũng diễn ra tương tự. Các bến xe đã có sẵn các phương án dự phòng để đảm bảo giải tỏa khách kịp thời dịp cao điểm; đồng thời bố trí lượng xe dự phòng khi có nhu cầu tăng đột biến sẽ đưa vào tăng cường.
Đội tuần tra cao tốc số 7 (Cục Cảnh sát giao thông CSGT - Bộ Công an), đơn vị phụ trách tuyến giao thông huyến mạch cửa ngõ Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, Đội đã xây dựng phương án phân luồng và huy động 100% quân số ứng trực đảm bảo giao thông trên cao tốc Pháp Vân, để chủ động phối hợp với Công an các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội và Trung tâm điều hành cao tốc sẵn sang các phương án chống ùn tắc.

Cảnh chen lấn tại bến xe Giáp Bát. Ảnh: Tiền Phong.
Hàng trăm người chờ đợi để lên xe về quê. Ảnh: Tiền Phong.
Trong khi đó, Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Hà Nội) phụ trách tuyến Quốc lộ 1 (đoạn Văn Điển - Cầu Giẽ) cũng đã huy động 100% quân số để điều tiết giao thông trên tuyến, đặc biệt tại các nút giao, điểm giao thông quan trọng như Quán Gánh, ngã 3 Thường Tín, Tía, Muộn… để chủ động phân luồng từ xa.

Còn tại các tuyến đường chính, tuyến đường nối ra cửa ngõ Thủ đô, các Đội CSGT cũng đã bố trí nhiều tổ tuần tra, ứng trực 100% quân số, đảm bảo khi phát hiện điểm ùn ứ sẽ chủ động phân luồng lưu động cho các phương tiện đi đường khác, hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài.
Vào những ngày này không chỉ có các tuyến đường nối Thủ đô với các tỉnh rơi vào tình trạng ùn tắc, mà ngay trên khắp các ngõ ngách hay trục đường của nội đô cũng trong tình trạng tương tự. Lý do chính là do người dân tất bật đi sắm sửa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, cộng thêm dòng người đang đổ ra các bến xe hay cửa ngõ để về quê khiến nhiều tuyến phố tắc nghẽn hầu như trong suốt cả ngày.
 Tắc đường trong những ngày này tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Lang.
TP Hồ Chí Minh: Bắt đầu từ chiều qua (25 tháng Chạp) các tuyến đường trong TP đã ken đặc người và xe. Các tuyến đường ra sân bay Tân Sơn Nhất, các trục đường chính nối ra quốc lộ xe cộ nối đuôi nhau di chuyển rất chậm. 
Đại diện bến xe Miền Đông cho biết, trong ngày 10/2 có hơn 1.600 xe xuất bến đưa hành khách về quê với hơn 45.000 lượt khách; tăng hơn 200 lượt xe và gần 10.000 lượt khách so với hôm trước.
Máy bay xếp hàng dài chờ cất cánh trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing.vn.
Máy bay xếp hàng dài chờ cất cánh trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing.vn
Trong sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận hàng dài các máy bay xếp hàng chờ cất cánh, khung cảnh trở nên nhộn nhịp với tần suất trung bình 953 lượt/chuyến/ngày. Nhiều thời điểm có đến gần chuc máy bay chờ cất cánh. Ngoài số lượng lớn tàu bay hãng nội địa, các chuyến bay từ các hãng quốc tế đến từ các nước châu Á cũng cấp tập hạ cánh đưa Việt kiều về quê ăn Tết Nguyên Đán 2018.