Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt - đại sứ đặc biệt của người Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây dư luận xôn xao trước việc Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam.

Trong khi đó, Canon Việt Nam cũng tuyên bố DN trong nước mới chỉ cung ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ. Thực hư của câu chuyện này thế nào? Liệu có phải năng lực, trình độ sản xuất của DN Việt Nam quá yếu, tới mức không thể làm được các linh kiện đơn giản nhất?

Đúng mà không đúng!

Chia sẻ tại Diễn đàn với chủ đề "Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt" diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, đúng là DN nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam nhưng không phải DN Việt Nam chỉ sản xuất được hộp, bìa carton. Chúng ta thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động hoặc điều kiện tự nhiên mà chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ. Một phần do cơ cấu DN Việt Nam chiếm trên 90% là DN nhỏ và vừa đa phần hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết và lạc hậu về công nghệ. Chính điều này đã khiến chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định và giá thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh.
Công ty Samsung vẫn đang tìm đối tác Việt Nam để cung cấp các linh kiện đơn giản cho điện thoại.         Ảnh: Quỳnh Anh
Công ty Samsung vẫn đang tìm đối tác Việt Nam để cung cấp các linh kiện đơn giản cho điện thoại. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhưng bên cạnh những DN còn "ăn xổi", mới đây, một số DN Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu, phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong nước và từng bước chinh phục thế giới. Câu chuyện Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn mua những chiếc áo "made in Vietnam" tại một cửa hàng ở New York để tặng vợ con hồi tháng 3/2014, được ông Vũ Tiến Lộc nhắc đến như một minh chứng cho thấy chất lượng hàng Việt không thua kém các sản phẩm ngoại khác.

Một thương hiệu Việt đang vươn ra thị trường quốc tế là Viettel cũng được nêu lên làm ví dụ cho thấy DN Việt đang lớn mạnh và được thế giới công nhận. Viettel đã đầu tư cả mạng lưới hạ tầng viễn thông, phát triển công nghệ tại các đất nước xa xôi ở châu Phi, Mỹ - La tinh, góp phần đưa hình ảnh và văn hoá kinh doanh người Việt tới cộng đồng thế giới.

Đại sứ của người Việt là hàng Việt

15 năm trước, khi sang Ấn Độ dự hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc có ghé qua cửa hàng lưu niệm ở một khách sạn 5 sao, qua câu chuyện với người bán hàng, ông Lộc đã hiểu ra rằng, sở dĩ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan được nhiều người biết đến là vì hàng hoá của họ đang được bày bán ngay tại các kệ hàng, vị trí mà hàng hóa của Việt Nam không có "dấu tích". "Rõ ràng, các vị đại sứ của Việt Nam không phải nhân vật đặc biệt nào mà chính là sản phẩm Việt" - ông Lộc nhấn mạnh. So với ngày ấy, bức tranh bây giờ đã khác, hàng Việt đã có vị thế cao hơn trước rất nhiều.

Trong số những DN mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ để tăng sức cạnh tranh phải kể đến Bkav. Ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav chia sẻ, cách đây 10 năm, Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với 4 vấn đề tập trung: Nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa DN, vốn. Kết quả là Bkav đã ra mắt được một sản phẩm mới và thuần Việt - SmartHome, đây là hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh. Theo đó, người dùng có thể điều khiển, kiểm soát hệ thống ánh sáng, rèm mành, môi trường sống, an ninh, giải trí tới bình nóng lạnh… trong ngôi nhà của mình. Theo ông Thắng, với các thế hệ SmartHome hiện đang có, "giải pháp của Bkav là giải pháp nhà thông minh hoàn chỉnh nhất hiện nay, đi trước một bước so với các đại gia công nghệ trên thế giới". Khác biệt của Bkav SmartHome so với giải pháp của các hãng khác trên thế giới như Schneider, Siemens chính là triết lý tiếp cận "nhà thông minh" từ phần mềm, khiến hệ thống có thể hiểu và giao tiếp với người dùng thay vì chỉ là nhà tự động như của các hãng khác.

Đánh giá cao nỗ lực của các DN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh tin tưởng, phương tiện "đòn bẩy" giúp DN và sản phẩm Việt nâng cao được năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, không gì khác chính là yếu tố khoa học và công nghệ.