Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài: Thách thức về tiêu chuẩn chất lượng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống bán lẻ nước ngoài đã và đang là giải pháp xuất khẩu hàng Việt hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới xáo trộn và đứt gãy, hơn bao giờ hết, DN Việt Nam cần được trợ lực nhiều hơn để đưa hàng Việt đi khắp năm châu.

Gian trưng bày sản phẩm Vinamilk tại Hội chợ, Triển lãm quốc tế. Ảnh: Thu Hà
Kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững
Tại hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam (nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, dệt may...) đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trên toàn thế giới. Đơn cử như tại Tập đoàn Central Group, năm 2012 xuất khẩu của các DN trong nước qua hệ thống này mới chỉ đạt 21 triệu USD, tới năm 2019 đã lên tới 205 triệu USD (tăng gần 10 lần). Còn với hệ thống AEON, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 đạt 200 triệu USD, dự kiến đạt 500 triệu USD trong năm 2020.

Đánh giá hiệu quả của Đề án, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho rằng: “Việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các DN cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững”.

Một điểm đáng ghi nhận là tư duy của các DN Việt Nam về một mô hình kinh doanh mới đã ngày càng sâu sắc hơn. DN đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Xuân Hòa chia sẻ, bằng việc thâm nhập vào mạng phân phối nước ngoài, công ty đã xuất khẩu sản phẩm chuối tươi ổn định tới thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... với sản lượng ngày càng lớn.

Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khắt khe

Xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại được cho là việc không dễ dàng. Bởi, các nhà phân phối nước ngoài có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, đòi hỏi nhà sản xuất trong nước phải đầu tư công nghệ, phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như giá cả cạnh tranh. Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Nishitohge Yasuo cho biết, Tập đoàn AEON có những quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập hàng như: An toàn thực phẩm, xác định nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, tồn dư hóa chất nông nghiệp… Vì vậy, nhà cung cấp phải có quy trình sản xuất, quản lý tương ứng để đáp ứng yêu cầu của AEON. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh nhận định, mẫu mã cũng như chất lượng ổn định của sản phẩm Việt còn rất hạn chế. Do đó, trong hàng chục DN với nhiều chủng loại sản phẩm cũng chỉ chọn được một số mặt hàng có đủ điều kiện để đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài. Nguyên nhân là phần lớn DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất vẫn yếu về nguồn lực tài chính, công nghệ.

Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, địa phương lựa chọn DN nòng cốt để hỗ trợ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Mặt khác, tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các DN xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng. Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Công Thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt bộ cẩm nang hướng dẫn DN Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của Đề án. Bộ cẩm nang cung cấp những thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn hàng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối như AEON, Decathlon, Lotte, Central Retail, Mega Market.