Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, dù còn nhiều tồn tại cần khắc phục, song ngành đã phát triển đồng bộ cả về nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu mà ngành y tế phải khắc phục khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô?- Giai đoạn đầu khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, không chỉ ngành y tế mà các ngành khác cũng gặp khó khăn. Với diện tích gấp 3 lần trước cũng tức là thay đổi mô hình y tế địa phương, các cơ quan biến động tổ chức do hợp nhất phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống y tế. Dân số Thủ đô cũng tăng gấp đôi so với trước dẫn đến hàng loạt các vấn đề liên quan như: Cơ cấu bệnh tật của người dân thay đổi, tình hình dịch bệnh, ATTP nhiều phức tạp, cơ cấu, tốc độ tăng dân số khác nhau giữa các quận, huyện và những địa phương mới sáp nhập đòi hỏi chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân phải toàn diện, công bằng và hiệu quả.
Đặc biệt là sự chênh lệch giữa các tuyến y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của bác sĩ, nhất là tuyến huyện và xã còn hạn chế, nên chưa thu hút được người bệnh. Các vấn đề này đặt ra thách thức cho ngành y tế tại thời điểm đó.Do đó, ngành y tế Hà Nội xác định phải nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và hệ thống cơ sở y tế. Ngành luôn bám sát chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy, HĐND và UBND TP, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chủ động đề xuất với TP xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể ngành y tế Thủ đô theo định hướng chung của Quốc gia nhưng phù hợp với đặc thù của Hà Nội theo từng giai đoạn. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện và y tế cơ sở. Sau 10 năm nỗ lực, y tế Hà Nội đã đạt được những thành tựu gì nổi bật, thưa ông?- Thành tựu đáng ghi nhận nhất là công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các đơn vị trong ngành đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm các BV T.Ư.
Trong đó, một số lĩnh vực là thế mạnh của y tế Hà Nội như phẫu thuật nội soi các bệnh đường tiêu hóa, sàng lọc ung thư đại trực tràng cho người trên 40 tuổi tại Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội – BV Đa khoa Xanh Pôn (đến nay đã thực hiện tại 19 quận, huyện với 296.098 người được xét nghiệm sàng lọc), phẫu thuật các bệnh tim mạch ít xâm lấn, nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan và nhiều kỹ thuật khác trong sản phụ khoa, ung bướu, tạo hình… Đặc biệt, các BV tuyến huyện đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến điều trị, nhiều BV đã thực hiện được những kỹ thuật cao của BV tuyến TP và T.Ư, 100% BV huyện mổ nội soi từ năm 2014.Năng lực hệ thống y tế dự phòng được nâng cao. Cụ thể, khống chế và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh xảy ra trên địa bàn như dịch sởi năm 2012, sốt xuất huyết năm 2017. Công tác tiêm chủng và phòng chống dịch thường xuyên được giám sát, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%. Hệ thống y tế cơ sở nâng cấp, 581/584 xã, phường, thị xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế xã . Từ năm 2017, Hà Nội triển khai lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, đến nay 74,3% dân số Thủ đô đã được lập hồ quản lý sức khỏe. Ngoài ra, trong 10 năm qua, ngành y tế luôn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu y tế như: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 13,1, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 23,3, tỷ suất sinh thô giảm 0,1‰/năm, tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) xuống 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2017)...Vậy đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở là định hướng tiếp theo của ngành trong thời gian tới?- Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của y tế Hà Nội trong thời gian tới. Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở. Cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn theo hướng toàn diện, liên tục. Phối hợp, lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm tải cho tuyến trên.Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở, chất lượng chuẩn quốc gia y tế. Rà soát phòng khám đa khoa và trạm y tế để điều chỉnh, sắp xếp công năng phù hợp phát huy hiệu quả hoạt động. Xin cảm ơn ông!