Thế giới động vật trong mắt học sinh
Đây là hoạt động nằm trong bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn ĐVHD bị đe dọa tuyệt chủng cho HS tiểu học” được Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS, sinh viên, Bộ GD&ĐT phối hợp Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Giảm nhu cầu sử dụng các loài ĐVHD bị buôn trái phép tại Việt Nam”. Tại Hà Nội, để thực hiện đại trà Dự án, Bộ GD&ĐT đã thí điểm tại một số trường như trường Tiểu học Quỳnh Lôi, Phan Đình Giót, Bà Triệu, Đồng Nhân…
Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Vũ Thúy Hường cho biết: Từ năm học 2018 - 2019, nhà trường đã thí điểm 3 đợt dạy HS (mỗi đợt gồm 7 đến 9 tiết học) về bảo vệ ĐVHD. Tại các tiết học, HS thể hiện niềm yêu thích với các thói quen, đời sống của động vật. Từ đó hình thành niềm yêu thích và có nhận thức sâu sắc hơn về bảo vệ các loài này.
Tương tự, trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thí điểm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5) từ năm học 2018 - 2019 dạy HS về ĐVHD. Hiệu trưởng Lê Thu Hằng cho biết: Năm học vừa qua, trường đã dạy thí điểm. Và năm nay nhà trường đang đợi chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng để đưa các tiết dạy về ĐVHD lồng ghép vào các môn học. Dạy HS về bảo tồn ĐVHD là chương trình mang tính nhân văn. Trong các tiết học, lớp sôi nổi trò chuyện, xem hình ảnh về những loài động vật, và vô cùng hào hứng.
Thông qua mỗi buổi học, HS hiểu và hình thành ý thức bảo vệ động vật, biết yêu thiên nhiên, động vật, đồng thời tuyên truyền đến những người khác không được săn, bắn, sử dụng sản phẩm động vật… Bộ tài liệu bảo tồn các loài ĐVHD đã được dạy thử nghiệm tại một số trường tiểu học và trong năm học 2019 - 2020, khoảng 8 triệu HS cũng sẽ được học chương trình này. Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết đang chuẩn bị kế hoạch cụ thể và dự kiến cuối tháng 12/2019, trường sẽ đưa bài học về ĐVHD vào chương trình học chính thức. Trong những năm qua, trường vẫn thường xuyên triển khai các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ĐVHD cũng là chủ đề khiến HS thích thú. Theo đó, HS say mê vẽ và tìm hiểu về các loài vật trong buổi sinh hoạt.
Lồng ghép bảo tồn vào giáo dục
Bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn ĐVHD bị đe dọa tuyệt chủng cho HS tiểu học” được thí điểm tại 10 tỉnh, TP (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Cần Thơ) với các thông điệp bảo tồn thiên nhiên và đã tiếp cận được hơn 50 trường, khoảng 15.000 HS tiểu học.
Dưới góc độ quản lý giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT Bùi Văn Linh đánh giá cao bộ tài liệu trong việc giáo dục HS về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ĐVHD nguy cấp quý hiếm. Bộ tài liệu không chỉ nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi của HS mà còn giúp giáo viên và người thân HS ý thức được việc bảo vệ và nói không với sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.
Trong khi đó, Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam Hà Thị Tuyết Nga cho rằng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới lồng ghép bảo tồn vào giáo dục, thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành với các bộ, ngành. “Nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu thương giữa con người với động vật. Việc giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐVHD, bảo tồn hướng tới thay đổi hành vi với các chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD trái pháp luật thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với tội phạm ĐVHD” - bà Tuyết Nga cho hay.
Có thể thấy, từ Dự án này của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ dạy minh họa cho HS về bảo tồn và các mối đe dọa với ĐVHD, nhằm hình thành tình yêu thương với động vật, lan tỏa các thông điệp “Nói không với sản phẩm ĐVHD bị buôn bán trái pháp luật".