Đổ xô mọi kỷ lục, vọt lên đỉnh 9 năm
Vài ngày gần đây, giá vàng liên tiếp đi lên nhanh chóng vượt qua ngưỡng 49 triệu đồng rồi 50; 50,2; 50,3 và lập đỉnh 50,4 triệu đồng/lượng. Đây cũng mức giá chưa từng có tại Việt Nam. Với vùng giá này, vàng trong nước tăng tương đương 16,8% trong hơn 6 tháng
Ghi nhận tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội), con phố sầm uất tập trung các cửa hàng bán lẻ vàng của hầu hết DN vàng trong nước, giá mua bán vàng miếng đều được điều chỉnh tăng mạnh. Giá vàng SJC được niêm yết tại cửa hàng Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu sáng 9/7 ở mức 50,33 triệu đồng/lượng bán ra.
Sản phẩm vàng rồng Thăng Long của thương hiệu này còn được bán ra với giá 50,42 triệu đồng/lượng và tăng theo từng giờ. Nhân dịp này, một số người dân cũng đã ra cửa hàng bán vàng với mức giá hấp dẫn, nhưng chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ với vàng trang sức hay vàng nhẫn tròn trơn...
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay cũng phá vỡ mức kháng cự cũ 1.800 USD từ vài ngày trước. Giá vàng giao tháng 8/2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.826 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/9/2011. Tính tới ngày 9/7, giá vàng đã tăng trưởng khoảng 16,7% sau khi đã tăng 18,4% trong năm 2019 và hiện ở quanh mức 1.808 USD/ounce. Mức tăng trong 6 tháng đầu năm khá ấn tượng, gần bằng mức tăng khó tin 18,4% trong cả năm 2019.
Giá vàng thế giới tăng mạnh lên đỉnh cao 9 năm vừa ghi nhận trong tuần chủ yếu do giới đầu tư thận trọng với triển vọng của nền kinh tế thế giới và không đổ tiền mạnh vào lại các tài sản có độ rủi ro cao như thị trường cổ phiếu. Diễn biến phức tạp với làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch Covid-19 đang trở nên khó kiểm soát, bùng nổ ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Ấn Độ…
Lượng dự trữ vàng của các ngân hàng T.Ư và các quỹ ETF về vàng trên toàn cầu đã liên tục tăng trương quý I và quý II/2020. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF bảo đảm bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn tính từ đầu năm tới nay. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục ghi nhận trong cả năm 2009.
Trong nước, số người tới giao dịch tại các cửa hàng vàng cũng đông hơn ngày thường. Tại cửa hàng vàng Phú Quý, chị Phạm Quỳnh Anh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết: "Mấy ngày trước, giá vàng lên cao, không chỉ giới đầu tư mà dân văn phòng như chúng tôi cũng sốt ruột. Tôi đã tất toán sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để ra cửa hàng tham khảo giá và mua được 9 lượng vàng".
So với khoản lãi hấp dẫn nếu biết "lướt sóng" giá vàng những ngày này, việc rút tiền tiết kiệm (mức lãi suất chỉ khoảng 6%/năm) để rót tiền vào vàng như chị Quỳnh Anh là một quyết định có phần dễ hiểu. Kịch bản giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới vẫn được nhiều người kỳ vọng.
Là một nhân viên ngân hàng đã đầu tư vàng trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Việt Hoàng cho hay, đã "ôm" 20 cây vàng từ đầu tháng 7. Anh Hoàng tự tin "vàng sẽ tiếp tục tăng, giá vàng thế giới vẫn có xu hướng đi lên, giá vàng trong nước chắc chắn không thể nằm ngoài quy luật đó".
Vào thị trường thời điểm đã là muộn?
Giá vàng trong nước có những lúc chùng lại trước ngưỡng 50 triệu đồng/lượng nhưng đã có những tín hiệu bứt phá nhanh lên mức 50,4 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới quy đổi đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.750 - 1.800 USD/ounce trong nhiều phiên gần đây.
Vàng được dự báo còn tăng giá mạnh chủ yếu do chính phủ nhiều nước đang tăng tốc và in thêm tiền; Ngân hàng T.Ư một số nước đang kêu gọi các chính phủ thực hiện kích thích tài khóa, vàng thường được coi là công cụ phòng trừ lạm phát. Các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ mặt hàng kim loại quý như: Đồng USD giảm, lãi suất trái phiếu xuống thấp, lợi suất lao dốc, nợ Chính phủ tăng cao trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống ngân hàng các nước dồi dào.
Bên cạnh đó, biến động địa chính trị như Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Triều Tiên cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Một số dự báo cho rằng, vàng sẽ có sự đột phá vào cuối quý III. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, giá vàng thế giới có thể lên tới 1.900 - 2.000 USD/ounce nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý III. “Các quốc sẽ gặp khó khăn, suy giảm và khủng hoảng. Họ sẽ bơm tiền ra nhiều dẫn đến USD mất giá. Nhà đầu tư và người có tiền sẽ mua vàng tích trữ để giữ tài sản. Tất cả các yếu tố này sẽ làm vàng tăng giá”.
Còn theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam VGB, sau khi lao dốc từ mức đỉnh 49 triệu đồng/lượng, giá vàng đã có nhiều năm gần như "đứng im" ở ngưỡng 36 - 37 triệu đồng/lượng và thị trường vàng không có sóng. Tuy nhiên, vừa qua, giá vàng liên tục tăng sốc nên đã hút một số người nhảy vào thị trường.
Ông Trần Thanh Hải phân tích: Vàng hiện nay là phương tiện đầu tư và đầu cơ. Trong vòng 1 - 2 tháng tới, vàng có thể vẫn là một kênh kinh doanh, đầu tư hấp dẫn và có nhiều sóng. “Với những ai mua vàng để dành thì tôi khuyên là nên dừng ý định đó lại. Còn nếu mua để đầu tư thì cần phải có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức phân tích… bởi đây cũng là một kênh đầu tư” - ông Hải khuyến nghị.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra 3 điều kiện cần cho nhà đầu tư khi bỏ tiền vào vàng: Một là, cần theo dõi thị trường thường xuyên để biết sự lên xuống của giá vàng; hai là, không nên đầu tư lướt ván, không nên mua đi bán lại trong thời điểm này; ba là nếu số vốn của bạn không nhiều thì có thể áp dụng cách đầu tư “lướt sóng”, giá lên thì bán nhanh, giá xuống thì mua vào, có thể lợi ít.
Ngoài ra, nên đa dạng kênh đầu tư, tránh "bỏ trứng vào một rổ". Theo ông Hiếu, đầu tư vào vàng không dễ "ăn xổi" như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt nhiều người không quên bài học thua lỗ vì vàng giai đoạn 2006 - 2012. Chưa kể do không còn được cấp phép nhập vàng nên giá vàng trong nước thường không bám sát theo giá vàng thế giới nên mua vàng lúc này quá rủi ro.
Nhớ lại những ngày nóng như chảo lửa của giá vàng 10 năm trước, anh K.T, một nhà đầu tư chuyên lướt sóng vàng vẫn còn hồi hộp. Chỉ trong 2 ngày 8 và 9/8/2011, giá vàng đã tăng “điên loạn” thêm gần 5 triệu đồng mỗi lượng. Giá vàng trong nước từ 46 triệu vọt lên 48,6 triệu đồng/lượng rồi vượt 49 triệu đồng/lượng. Sau đó, thị trường vàng Việt Nam lại chứng kiến cảnh hỗn loạn đội mưa để bán vàng khi giá vàng lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng.
Chạy theo cơn lốc vàng trong những ngày đó, thị trường đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư vàng “nghiệp dư” bung tiền mua để rồi sau đó phải nhận trái đắng khi bong bóng” vàng “xì hơi” không kiểm soát. Theo đó, chỉ trong vòng 24 tiếng, nếu nhà đầu tư bán lại thì sẽ bị lỗ đến 3,3 triệu đồng một lượng, tức mất 33 triệu đồng cho 10 cây vàng.
Nhà phân tích Austin Pickle của Wells Fargo cho biết, kỳ vọng giá vàng cuối năm 2020 đạt 1.900 USD/ounce và thậm chí là 2.200 - 2.300 USD/ounce cuối năm 2021. Điều đó có nghĩa vẫn kịp lãi thêm khoảng 500 USD/ounce. "Tất nhiên, vàng sẽ không tăng theo một đường thẳng, việc phá vỡ mốc 1.900 USD/ounce sẽ không dễ dàng". Cho dù thị trường tăng trưởng hay sụt giảm và mang lại cơ hội để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà giao dịch cần có những kiến thức sâu để giao dịch trên thị trường vàng. |