Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hát then xứng tầm di sản thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên hoan hát then - đàn tính toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức tại Tuyên Quang vừa kết thúc. Lần đầu tiên, hội thảo quốc tế đánh giá, nhận diện và bàn giải pháp cho các nguy cơ đặt ra với di sản được tổ chức trong khuôn khổ một liên hoan.

Hội thảo còn hướng đến hoàn thiện Hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái đệ trình UNESCO công nhận di sản đại diện nhân loại.

Sức lan tỏa của then

Trước đây, nhắc đến hát then, thường mọi người chỉ nhắc đến các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Hiện nay, 2 tỉnh này được coi là “vùng lõi” của hát then. Trên thực tế, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang cũng đã quen với những làn điệu với nhiều độ cao thể hiện song song bên cây đàn tính. Sức lan tỏa của hát then đã vươn đến Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh theo quá trình giao lưu, định cư của đồng bào.
Nghệ nhân hát then hướng dẫn các cháu nhỏ tập đàn tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Nghệ nhân hát then hướng dẫn các cháu nhỏ tập đàn tại Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
“Sinh hoạt then được đồng bào Tày, Nùng, Thái quý trọng, trao truyền qua nhiều thế hệ. Giá trị của then tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ngôn ngữ, văn học, thơ ca dân gian, phong tục tập quán, y phục, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn âm nhạc, múa dân gian... Chính vì thế, di sản văn hóa này rất xứng đáng và cần được tôn vinh, bảo vệ” - PGS.TS Nguyễn Bình Định nhận xét.

Góp mặt trong hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị của hát then lần này, GS.TS Barley Norton, Đại học London (Anh) thừa nhận: “Hát then là loại hình di sản văn hóa đặc sắc. Trong đó, nghi lễ then là sự kết hợp rất nhiều yếu tố nghệ thuật: Ca hát, âm nhạc, nhảy múa, trò diễn. Các yếu tố nhạc, hát và múa không thể thiếu được trong nghi lễ then, ngoài việc biểu đạt những nội dung nhất định của nghi lễ, nó còn tạo ra môi trường thúc đẩy con người hòa nhập, tạo niềm tin với thần linh, một ước vọng muôn thuở của bất cứ thể loại tôn giáo tín ngưỡng nào. Nghi lễ hát then xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.

Hài hòa tín ngưỡng và nghệ thuật trình diễn

Giá trị của hát then xem ra không phải bàn cãi. Tuy nhiên, đứng trước việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản hát then là di sản phi vật thể của thế giới, các nhà nghiên cứu và cộng đồng lại luống cuống trước những biến đổi của di sản. Hát then đang tồn tại hai hình thức: Nghi lễ hát then truyền thống và then trình diễn. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan – thành viên xây dựng hồ sơ hát then trình UNESCO: Hồ sơ phải thể hiện được câu chuyện của tín ngưỡng hát then, trong đó bao hàm cả nghệ thuật trình diễn của hát then. Thế nhưng, hồ sơ cũng không loại trừ nội dung then lan tỏa trong đời sống.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong các trường đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc đã có giáo trình dành cho hát then. Hơn nữa, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái vẫn thường xuyên có nhu cầu thực hành nghi lễ hát then. Chính vì vậy, không cần lo lắng nhiều cho vấn đề bảo tồn tín ngưỡng hát then. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho rằng, Nhà nước và cộng đồng chỉ cần tôn trọng các ông then, bà then, hỗ trợ các văn bản lời then.

Cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản then trước hết và tốt nhất là việc tự giữ gìn, phát huy trong cộng đồng mỗi dân tộc. Nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ hát then. Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống, hát then nên được đưa vào các chương trình phục vụ du lịch để khai thác, hỗ trợ bảo tồn, đồng thời tạo điều kiện để then “được sống” trong không gian cộng đồng.

Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát then đặt ra không chỉ mục đích hướng đến công việc hoàn thiện hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận, mà còn đưa mục tiêu nhận diện toàn diện di sản, hướng đến quá trình bảo tồn dài lâu.
“Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một về nghệ nhân, rơi rớt về các làn điệu, mất mát về phong tục tập quán, dần dà thui chột bản sắc văn hóa độc đáo do thiếu người kế cận. Hiện nay, chỉ còn khoảng 10 nghệ nhân trên 80 tuổi còn nhớ tương đối nguyên vẹn lời then” .

 TS Lưu Thị Bích Hồng