Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, vừa qua, Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ - CASUCO) tính ngừng sản xuất vụ 2021-2022 đã khiến hàng nghìn héc-ta mía có nguy cơ bí "đầu ra". Không những thế, nhiều hộ gia đình trồng mía ở Hậu Giang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay, trong khi hàng chục cổ đông tiếp tục gửi kiến nghị khẩn, đề nghị nhà máy tiếp tục sản xuất để cứu bà con trồng mía và công nhân lao động…
Không đủ nguyên liệu để sản xuấtÔng Đinh Văn Triệu (ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có 1ha mía đang phát triển tốt, dự kiến tháng 9 (thời điểm nhà máy đường bắt đầu chạy ép vụ mới) cho thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay ông và bà con trồng mía ở địa phương đang thấp thỏm sau khi hay tin nhà máy đường dự định đóng cửa.
Theo ông Triệu, năm ngoái nhà máy có hợp đồng bao tiêu mía của người dân (với giá 800 đồng/kg tại cầu cảng nhà máy), nhưng năm nay nhà máy không thực hiện hợp đồng. Những vụ gần đây, nếu không bán cho nhà máy đường thì người trồng mía sẽ bán mía nước (bán cho những người làm nước mía giải khát), thậm chí giá còn cao hơn của nhà máy mà không tốn công đốn, chở mía.
Thế nhưng, năm nay, dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nước mía giải khát cũng không hoạt động nên không ai mua mía… “Bây giờ bà con chúng tôi không biết tính sao, chính quyền vận động chuyển đổi cây trồng, nhiều người bỏ mía chuyển sang trồng chanh không hạt, giờ chanh cũng rẻ bèo… Không biết trồng cây gì, nuôi con gì nữa đây” – ông Triệu thở dài.
Thu hoạch mía ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam |
Việc này hồi tháng 5/2021 cũng đã được HĐQT CASUCO họp và cho rằng do lượng mía còn ít nên không đủ để sản xuất. Do đó HĐQT có tính đến phương án cho nhà máy đường Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất vụ 2021-2022 và thống nhất xin ý kiến của cổ đông bằng cách tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua.
Theo tìm hiểu của PV, những năm gần đây, diện tích mía ở miền Tây nói chung và Hậu Giang nói riêng giảm dần. Nguyên nhân do giá mía hàng năm thường không ổn định, người trồng mía không có lãi nhiều, từ đó không mạnh dạn đầu tư chăm sóc.
Nhà máy đường thì không thể nâng giá thu mua mía cho nông dân do giá đường bán ra thấp vì bị cạnh tranh bởi đường ngoại... Cây mía trước đây từng là cây "xóa đói giảm nghèo" ở Hậu Giang, nhưng hiện nay địa phương này cũng đã "loại" mía ra khỏi danh sách cây trồng chủ lực của tỉnh...
Khó khăn kép!
Ông Đoàn Tấn Quan – Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC, đại diện cho 39 cổ đông của CASUCO vừa có văn bản kiến nghị khẩn gửi HĐQT CASUCO.
Theo ông Quan, lượng mía nước năm nay của nông dân không tiêu thụ được do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên tổng lượng mía để cung cấp cho nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất sẽ nhiều bất thường và cao hơn mức dự báo tại thời điểm tháng 5/2021 mà HĐQT và Ban điều hành công ty đã báo cáo cho cổ đông…
Việc tạm dừng sản xuất của nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2021-2022 này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nông dân trồng mía, những người đã gắn bó với cây mía, với CASUCO hơn 20 năm qua.
Không những thế, công ty và cổ đông cũng sẽ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vĩnh viễn do nông dân mất niềm tin, không sản xuất mía cho những năm tiếp theo, xóa sổ ngành sản xuất mía và chế biến đường của tỉnh Hậu Giang. Thực tế là nhà máy đường Vị Thanh (cũng của CASUCO – PV) sau khi tạm ngưng sản xuất 1 vụ thì vùng mía nguyên liệu cũng không còn.
Ông Quan đề nghị HĐQT CASUCO tạm hoãn tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 8/9/2021 do chưa thật sự cần thiết trong thời điểm này. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc tu bổ thiết bị và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng vào vụ sản xuất trong tháng 10 năm nay nhằm tiêu thụ mía cho bà con nông dân, thu hồi nguồn vốn đã đầu tư, tạo niềm tin cho nông dân tồng mía để có thể duy trì và phát triển vùng mía nguyên liệu trong những năm tiếp theo.
Mía tập kết trước nhà máy đường Phụng Hiệp. |
Theo ông Trần Chí Hùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang, Sở cũng đã đăng ký làm việc với phía công ty về vụ mía này nhưng do tình hình dịch bệnh nên đang hoãn lại, tới đây sẽ làm việc để nắm tình hình rồi thông tin. Theo ông Hùng, diện tích trồng mía toàn tỉnh Hậu Giang vụ này là hơn 5.000ha.
Theo tìm hiểu của PV, huyện Phụng Hiệp là địa phương trồng mía nhiều nhất của Hậu Giang (vụ 2021-2022 đạt 4.750ha). Trước đây, vào khoảng tháng 5 hàng năm, đại diện nhà máy đường Phụng Hiệp đến liên hệ với ngành chức năng và chính quyền địa phương để cùng trao đổi về kế hoạch sản xuất cũng như chính sách và giá bao tiêu mía, đồng thời tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân trước khi vụ ép bắt đầu. Tuy nhiên, hai vụ mía 2019-2020 và 2020-2021, không có động thái này.
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp kiến nghị ngành chức năng tỉnh cần sớm có kế hoạch kiểm tra chữ đường để đề nghị CASUCO sớm vào vụ ép mía để tiêu thụ hết diện tích mía. Nếu tình hình lũ dâng cao sẽ ảnh hưởng đến diện tích mía của huyện. Công ty cần tăng cường hết công suất nhà máy để tiêu thụ mía cho người dân, tránh thất thoát do lũ tràn về...