Kinhtedothi - Chỉ trong vòng 3 ngày, nước Pháp đã phải trải qua những cú sốc in đậm dấu ấn của 3 vụ tấn công khủng bố kinh hoàng khiến 17 người thiệt mạng. Tình trạng an ninh tại Thủ đô Paris được thiết lập như trong thời kỳ chiến tranh phần nào phản ánh sự lo lắng của người dân nước này trước nguy cơ của các vụ việc tương tự.
Cuộc tuần hành lịch sử
Là quốc gia có những bước ngoặt lịch sử gắn liền với các cuộc diễu hành đường phố, nên không khó để nhận ra, các cuộc tuần hành luôn thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng tham gia của hầu hết người dân. Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã kêu gọi người dân tham gia vào cuộc tuần hành quy mô lớn trong ngày 11/1 nhằm tái khẳng định “các giá trị của năm 1789”. Người đứng đầu Chính phủ Pháp cho rằng, cuộc tuần hành lớn nhất, quan trọng nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ sau Thế chiến thứ II sẽ thể hiện sức mạnh và nhân phẩm của người Pháp, những người luôn ủng hộ và đấu tranh cho tự do và sự khoan dung.
Để phục vụ cho người dân từ nhiều nơi khác nhau tới tham dự cuộc tuần hành tại Paris, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng tại Il-de-France - Vùng thủ đô của Pháp đã hoạt động miễn phí. Lực lượng an ninh được tăng cường và triển khai các biện pháp đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc diễu hành của hơn một triệu người, trong đó có sự tham gia của những nhân vật đặc biệt là gần 40 nhà lãnh đạo hàng đầu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trước đó, khoảng 700.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành ở Paris, Orleans, Nice, Toulouse, Nantes và nhiều vùng khác với các băng rôn thể hiện sự tiếc thương các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố tại tòa soạn tạp chí Charlie Hedbo và các biểu tượng chống phân biệt chủng tộc.
Vết nứt khó hàn gắn
Cuộc xuống đường lần này khiến nhiều người không khỏi liên tưởng với sự kiện xảy ra cách đây 30 năm khi một sinh viên Pháp gốc Algeria bị thiệt mạng trong vụ biểu tình chống lại kế hoạch đổi mới Luật Giáo dục. Trong buổi chiều cuối đông năm 1986, sự kiện hơn 600.000 người, không phân biệt đảng phái, giàu nghèo tay trong tay tuần hành trên khắp những con phố của Paris đã góp phần xóa nhòa những ranh giới của sự khác biệt trong xã hội Pháp. Gần 30 năm sau, một cuộc xuống đường được tái hiện nhưng kỳ vọng vào tinh thần đoàn kết dường như mong manh hơn khi mâu thuẫn, bất đồng với cộng đồng người Hồi giáo nhập cư đã gia tăng đến đỉnh điểm.
Quang cảnh tại Quảng trường Cộng hòa đêm 7/1 được mô tả như những gì đã diễn ra tại Washington Square, Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Trong các lễ tưởng niệm và biểu tình trên khắp nước Pháp, những biểu tượng chống phân biệt chủng tộc được giương cao như một cam kết nói “không” với cuộc chiến từng gây nhiều đau thương này. Thế nhưng, tại Goutte d,Or, phía Bắc Paris, nỗi sợ hãi đang bao trùm cộng đồng người Hồi giáo nhập cư. Bởi họ biết, sau đêm 11/9 đầy hoa và nến, một cuộc chiến chống lại người Hồi giáo đã được phát động và kéo dài suốt hơn chục năm qua. Hình ảnh những người Hồi giáo vừa giương cao các biểu ngữ phản đối sự cuồng tín vừa hát vang ca khúc “La Marseillaise” cuối tuần qua là thông điệp kêu gọi đoàn kết trong tuyệt vọng của cộng đồng người nhập cư tại Pháp.
Cuộc khủng hoảng mới bắt đầu
Cuộc tuần hành lịch sử tại Paris là một nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ các giá trị Tự do – Bình đẳng – Bác ái được pháp điển hóa trong Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp. Tuy nhiên, cách Quảng trường Cộng hòa - nơi xuất phát của cuộc tuần hành chưa đầy 3km, tại Điện Élysée, tranh cãi nổ ra đã cho công chúng thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về sự đoàn kết của các chính trị gia. Sau khi chỉ trích sự yếu kém của lực lượng an ninh quốc gia trước các vụ tấn công khủng bố và hướng mũi tấn công vào chính sách nhập cư của Chính phủ, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen lại phàn nàn về việc không nhận được một lời mời chính thức để tham dự cuộc tuần hành.
Tất nhiên trong bối cảnh đầy nhạy cảm này, phàn nàn của lãnh đạo cánh hữu đã vấp phải sự phản đối của nhiều đảng phái khác, những người cho rằng không nhất thiết phải nhận được giấy mời mới tham gia cuộc diễu hành bày tỏ tình đoàn kết, sự tôn trọng với các nạn nhân. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ông Francois Hollande – vị Tổng thống ít được ưa thích nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại đã tăng lên 10% và cán mốc 51% sau các biến cố vừa qua. Đặc biệt, với sự xuất hiện của hàng chục lãnh đạo hàng đầu châu Âu trong cuộc tuần hành trên đường phố Paris, ông Hollande đã củng cố vị thế của mình với tư cách là người điều hành đất nước và là một chính trị gia quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, những gì đang diễn ra tại Pháp mới chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng được châm ngòi bởi các tranh cãi về vấn đề nhập cư.
Sự lựa chọn khó khăn
Kết cục thương tâm của các vụ tấn công khủng bố là một lý do đặt giới truyền thông toàn cầu phải đứng trước sự lựa chọn hoặc đăng tải các đề tài cấm kỵ của thế giới Hồi giáo hoặc tìm cách né tránh để giảm thiểu rủi ro. Bản tin nội bộ của các tờ báo lớn vừa công bố cho thấy, đã xuất hiện những yêu cầu kiểm duyệt chặt nội dung liên quan đến cộng đồng Hồi giáo được coi là câu trả lời của một phần giới truyền thông.
Tuy nhiên, các nỗ lực để cứu tạp chí Charlie Hebdotrong những ngày qua được coi như một hành động thách thức với các thế lực Hồi giáo cực đoan. Và thay vì in 60.000 bản như thông thường, một triệu bản của ấn phẩm cuối cùng mang dấu ấn của Ban Biên tập quá cố sẽ ra mắt vào thứ Tư tới. Tuy nhiên, lo ngại trang bìa với hình biếm họa về nhà tiên tri Mohammed có thể châm ngòi cho các vụ tấn công đã xuất hiện. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi tòa soạn báo Hamburger Morgenpos ở miền Bắc nước Đức bị tấn công sáng 11/1 sau khi phát hành ấn phẩm có in hình nhà tiên tri Mohammed.
Những diễn biến dồn dập trong vài ngày qua cho thấy, các vụ tấn công khủng bố tại Pháp trong những ngày qua chắc chắn sẽ để lại hậu quả dài lâu cho truyền thông, chính trường nước Pháp và toàn cầu.
Người dân tham gia cuộc biểu tình lớn tại TP Nantes, miền Tây nước Pháp. Ảnh: Getty Images
|