Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu thảm kịch xả súng: New Zealand thành "tấm gương" cho Mỹ

Hương Thảo (Theo Metro)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái kiên quyết của Wellington sau vụ xả súng hôm 15/3 hoàn toàn trái ngược với sự thờ ơ của Washington sau các sự cố tương tự.

Các sinh viên thắp nến trong buổi tập trung bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Al Noor để cầu nguyện cho các nạn nhân vụ xả súng hôm 15/3. Ảnh: AP

3 ngày sau khi 50 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết Nội các nước này đã đưa ra các quyết định mới về cải cách luật sở hữu súng.
"Trong vòng 10 ngày sau hành động khủng bố kinh hoàng này, chúng tôi sẽ tuyên bố cải cách, mà theo tôi là sẽ làm cho cộng đồng của chúng ta an toàn hơn", bà Ardern nói, khi cho rằng vụ xả súng lần này đã "phơi bày một loạt điểm yếu" trong luật sở hữu súng của New Zealand, khi thủ phạm được cho là đã mua 4 vũ khí, qua "quy trình trực tuyến đã được cảnh sát xác minh", từ một cửa hàng súng ở Christchurch.
Động thái kiên quyết của Wellington sau thảm họa hôm 15/3 dường như trái ngược với sự thờ ơ của chính quyền Mỹ - quốc gia trở thành điểm nóng khi liên tục chứng kiến nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối sử dụng súng và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua luật kiểm soát súng đạn.
Dường như đã trở thành một thói quen của người dân Mỹ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc biểu tình, tranh luận về súng cũng như bạo lực súng đạn lại nổ ra trên toàn quốc gia, thậm chí một vài dự luật cũng được đưa ra. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả lại "chìm xuồng". Chính vì vậy, mặc dù Mỹ là quốc gia có mức độ bạo lực súng đạn cao hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào, tính tới thời điểm này, Quốc hội nước này vẫn chưa triển khai được hành động đáng kể nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.