Gây chú ý từ cuối tháng 10/2011 với thông tin đại hạ giá các căn hộ trong dự án Petro Vietnam Landmark, cổ phiếu PVL hiện giao dịch quanh mốc 6.000 đồng một đơn vị. Một năm rưỡi trước đây, giá chứng khoán này có lúc lên tới 40.000 đồng. Kể từ thời điểm đỉnh cao đến lúc giá tụt dốc như hiện nay, PVL có những thay đổi liên tục về nhân sự cao cấp cũng như việc các cổ đông tổ chức, VIP liên tục "thoát hàng".
Năm 2010, PVL đã có ba lần thay đổi chủ tịch HĐQT. Ngày 25/10, PVL miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngô Thanh Dũng, chỉ sau 6 tháng bổ nhiệm. Tiếp theo đó, PVL liên tục có sự thay đổi nhân sự trong hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc. Sự kiện gây chấn động trong năm 2010 là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản 800 tỷ đồng của ông Đào Duy Phong, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị. Sau vụ này, cổ phiếu PVL ngay lập tức đã bị bán tháo bởi chính những cổ đông sáng lập công ty. Từ cuối tháng 11/2010 đến tháng 9/2011, cả bốn cổ đông sáng lập là PVX, SJS, PVF và Công ty cổ phần Phong Phú đã liên tục thoái vốn khỏi PVL. Sudico, PVF và Phong Phú đều đăng ký bán hết số cổ phiếu PVL nắm giữ vào thời điểm tháng 2/2010. Trong khoảng thời gian từ 28/10 đến 3/12/2010, PVX đã bán 7 triệu cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 14%, bằng một nửa so với thời điểm PVL lên sàn. Trong số những nhà đầu tư rút lui khỏi PVL có không ít lãnh đạo chủ chốt của công ty này. Liên tục từ tháng 10/2010 đến tháng 6/2011, các thành viên trong ban giám đốc của PVL đều đăng ký bán cổ phiếu ngay khi hết thời hạn 3 năm nắm giữ bắt buộc. Đầu tháng 6/2011, báo cáo tài chính 2010 đã kiểm toán của PVL được công bố, nhưng công ty kiểm toán thực hiện là AVA đã từ chối đưa ra ý kiến do có 3 vấn đề khúc mắc không thể giải quyết với PVL. Ngay lập tức, cổ phiếu PVL bị cảnh báo và rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc tại HNX. Ngày 1/7, theo cam kết, PVL cung cấp thêm thông tin cho AVA để đưa ra báo cáo phù hợp với yêu cầu của cơ quan quản lý, và thoát khỏi việc bị hủy niêm yết. Nhưng trước đó, đại hội cổ đông thường niên năm 2011 của PVL buộc phải hủy do không có đủ 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia dự họp. Theo báo cáo bán niên đã soát xét được PVL cung cấp và tháng 8/2011, số lãi 14,12 tỷ đồng vào quý II/2011 có được là do khoản hoàn nhập nợ khó đòi 27,5 tỷ đồng từ năm 2011. Như vậy, mức lỗ thực tế trong quý này của PVL là hơn 13 tỷ đồng. Dựa vào kết quả lợi nhuận dương này, ngày 12/9, PVL được HNX đưa ra khỏi danh sách cổ phiếu bị cảnh báo. Cuối tháng 10, PVL gây sốc cho thị trường bất động sản khi tiến hành giảm 35% giá trị căn hộ thuộc dự án Petro Vietnam Landmark dưới áp lực trả nợ 100 tỷ đồng cho ngân hàng Liên Việt. Việc bán tháo này có thể dẫn tới mức lỗ dự kiến 70 tỷ đồng lũy kế cuối năm 2011. Quá trình bán hạ giá căn hộ của PVL khiến nhà đầu tư đi từ vui mừng đến hẫng hụt do điều kiện mua ngặt nghèo, không khuyến khích khách hàng của chủ đầu tư. Không chỉ yêu cầu bốc thăm 15 trong số 85 căn hộ hạ giá, khách hàng còn phải trả ngay 100% giá trị trong khi không được sử dụng ngay. Cũng vì thế, PVL bị nghi PR cho dự án này với chiêu "bán tháo", tránh một kết quả tài chính bất lợi cuối năm. Trao đổi với PV, một lãnh đạo cấp cao của PVL cho hay, đến nay, công ty đã trả nợ được 55 tỷ đồng số tiền nợ ngân hàng Liên Việt từ việc bán cổ phiếu và căn hộ. Ngoài ra, kế hoạch bán căn hộ PV Landmark cũng sẽ kết thúc vào ngày 18/11 tới. Về việc chậm công bố khoản lỗ 70 tỷ đồng dự kiến ngay tại thời điểm quyết định bán hạ giá căn hộ, ông này cho biết do công ty còn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch bán hàng cụ thể. Quyết định hạ giá có từ tháng 9 nhưng cuối tháng 10 mới được công bố. Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, các cổ đông lớn dồn dập bán cổ phiếu của PVL trong thời điểm cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 hoàn toàn là theo xu hướng thị trường. Trong bối cảnh hầu hết các phân đoạn thị trường địa ốc trầm lắng, cổ phiếu bất động sản lao đao, việc các cổ đông, thậm chí là lãnh đạo công ty, tiến hành điều chỉnh danh mục đầu tư là việc dễ hiểu. Lượng dư bán lớn trong thời gian dài đẩy cổ phiếu PVL giảm giá là khó tránh khỏi. "Điều đó là hợp lý và công ty không thể can thiệp được", lãnh đạo này chia sẻ. "Theo quy định, lãnh đạo doanh nghiệp như cấp phó tổng giám đốc sau 3 năm mới được bán cổ phiếu nên khi họ chờ đủ 3 năm họ bán ra thì không ai ngăn cản được", vị lãnh đạo nói.