Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy cảm ơn bà!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ai chẳng muốn chăm cho cháu bụ bẫm, hồng hào. Song bà giờ ngoài bảy mươi, đã vất vả nhiều, sức khoẻ chẳng còn được như xưa, đi lại còn khó khăn huống chi chăm đứa nhóc đang tuổi hiếu động.

KTĐT - Ai chẳng muốn chăm cho cháu bụ bẫm, hồng hào. Song bà giờ ngoài bảy mươi, đã vất vả nhiều, sức khoẻ chẳng còn được như xưa, đi lại còn khó khăn huống chi chăm đứa nhóc đang tuổi hiếu động. Ngay đến mình sức thanh niên ở nhà trông mà đuối muốn xỉu nữa là.

 Cô bạn tôi than thở: “Khi nào con gầy gầy thì lại mang về nhờ bà ngoại chăm hộ, mập mạp một chút mới cho về”. Ý cô muốn trách bà nội không chu đáo.

Cô còn ca cẩm liên tục việc bà nội già yếu, vụng về chẳng chăm được cháu, không bón được cho nó, để con bé đói.

Hình như cô ấy có chút nhầm lẫn. Ai chẳng muốn chăm cho cháu bụ bẫm, hồng hào. Song bà giờ ngoài bảy mươi, đã vất vả nhiều, sức khoẻ chẳng còn được như xưa, đi lại còn khó khăn huống chi chăm đứa nhóc đang tuổi hiếu động. Ngay đến mình sức thanh niên ở nhà trông mà đuối muốn xỉu nữa là.

Bà ngoại của bé còn khoẻ mạnh, quý cháu, bà mệt thì đã có ông. Đây ông nội đã mất, mình bà nội quanh quẩn, xoay sở với việc nhà mau mệt, chứ bà nỡ để cháu đói bao giờ. Có lẽ cô bạn nên xét xem mình đã hết lòng với mẹ chồng và tận tâm với con chưa, hay là đã quá trông chờ vào người khác?

Không nên “Được voi đòi tiên” luôn muốn “một mẹ già bằng ba người ở”. Mẹ vất vả cả một đời nuôi con rồi nuôi cháu, hết đứa lớn đến đứa bé, cực nhọc đã trải nhiều. Cứ nuôi con khôn lớn rồi sẽ hiểu lòng cha mẹ. Chẳng mẹ nào tiếc con, tiếc cháu đâu, chỉ là sức yếu, lực bất tòng tâm thôi.

Ngày nào tôi cũng được nghe một bài kêu ca đều đặn: “Cứ mãi thế này thì phát rồ mà chết mất thôi. Tớ sắp điên rồi”. Tôi nửa đùa nửa thật: “Ở cạnh cậu mãi, chắc tớ cũng nổi điên”.

Rồi cô bạn hỏi: “Cậu với mẹ chồng hòa thuận, yêu quý nhau lắm à?”

Ô, tôi có phải thánh đâu mà lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhất là với mối quan hệ vốn mang nhiều mặc cảm nên cũng có lúc nọ lúc kia, song mình nên tỉnh táo, nhìn nhận và tự biết được cái nào quan trọng hơn - cái tôi, cái tự ái của bản thân hay gia đình, chồng con và tương lai. Tất nhiên cái tôi sẽ thẹn thùng mà xẹp xuống không làm găng mọi chuyện lên nữa, nhũn nhặn hết sức có thể, mãi rồi cũng quen và dần biết đối mặt với những bất đồng.

Cũng do cô ấy cứ ỷ lại được ai thì ỷ thành ra không biết nâng niu, quý trọng, chưa thấy tình cảnh chẳng có bà nào ở bên, quê xa hoặc một trong hai bà chẳng còn, tự thân vận động là chính. Rốt cuộc thuê người thì không an tâm và có khi lương chẳng “cập” được với chi phí trả cho họ mà chắc chắn họ không thể thương yêu và cẩn thận như mình chăm sóc con. Thế là đành ở nhà nội trợ, trông con, chấp nhận kinh tế kém đi một chút, bớt ăn bớt tiêu, ít nhiều bị lệ thuộc vào chồng. Khi nào bé cứng cáp gửi nhà trẻ, mới xin làm đâu đó, bắt đầu lại nhưng thêm tuổi, thêm ràng buộc con cái sẽ khó khăn hơn trong việc tìm một chỗ đứng ổn định. Đành chấp nhận rủi ro đặt hết gánh nặng tài chính lên vai chồng, có thể chồng sẽ hay bẳn bó, bực dọc do áp lực.

Phải khuyên cô bạn, nhìn vào những tấm gương lận đận ấy để thấy rằng mình vẫn còn may mắn khi ở gần, được mẹ chồng trợ giúp, yên tâm hơn vì là máu mủ ruột rà, bà chẳng yêu cháu thì yêu ai? Nên biết ơn và động viên bà đã hết lòng trông nom con giúp và bản thân mình hãy cố gắng để dành thời gian chăm sóc con, đỡ đần bà. Có khác biệt trong việc nuôi nấng, dậy dỗ thì nên nhẹ nhàng nói ý kiến của mình, đi đến thống nhất mang lại điều tốt nhất cho bé, vậy còn hơn là ngồi trách móc, than thở.