Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy trả Trung thu về cho trẻ em

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, cứ đến Rằm tháng Tám âm lịch, dù không còn là trẻ con, mọi người đều quan tâm tới hai thị trường đồ chơi và bánh của các em.

Năm nay, thị trường đồ chơi có khá hơn, còn thị trường bánh Trung thu và hoa quả bày cỗ thì phong phú, nhưng cũng đáng lo ngại hơn.

Trên thị trường đồ chơi, tuy vẫn còn những đồ chơi nhựa Trung Quốc, với những siêu nhân hình thù bặm trợn, bạo lực; những dao găm, còng sắt, đồ cảnh sát, súng ống, máy bay, xe tăng đủ loại, đồ chơi nào cũng đầu nhọn đầy hăm dọa đã thấy thấp thoáng những trò chơi thuần Việt hiền lành, dễ thương như tò he xanh đỏ, mặt nạ, đèn lồng ông sao hoặc chú thỏ, con cá. Điều đáng mừng nhất, các đồ chơi Việt này được bày bán giữa sạp hàng, trẻ con và người lớn đều thích. Cứ đà này, có thể làm sống lại những làng nghề với hàng nghìn lao động, điều tưởng không bao giờ còn nữa trong thời hiện đại. Thì ra, để thay thế một truyền thống, một bản sắc dân tộc, không thể lấy tiền ít, hàng nhiều mà được.
 

Đến hàng hoa quả và bánh trái Trung thu thì thận trọng hơn. Ngoài mấy thứ quả Việt Nam như na, hồng, nhãn… phần nhiều là hàng lậu từ Trung Quốc. Hàng bánh Trung thu có vẻ rôm rả nhất. Từ hàng tháng trước, đã thấy những ki ốt bánh Trung thu xanh đỏ tràn ngập. Chưa năm nào lại nhiều loại bánh như thế, cũng chưa năm nào loại bánh mang nhãn mác “truyền thống”, sản xuất thủ công hay do gia đình sản xuất lại nở rộ đến thế. Đứng trước quầy bánh, không biết loại nào do các thương hiệu lớn, cái nào là giả, được sản xuất ở các làng quanh Hà Nội, với điều kiện vệ sinh kém rồi cho vào bao bì bán trôi nổi ngoài chợ. Có lẽ phải quy định “truyền thống” là thế nào, đạt tiêu chuẩn nào mới được là “truyền thống”, như hiện nay, không chỉ bánh Trung thu mà ở nhiều ngành hàng khác, từ này bị lạm dụng.

Ngoài những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc thì tại các chợ cũng có bán đủ loại bao bì đóng gói khá bắt mắt với giá rẻ bèo. Đây là cơ hội để các cơ sở làm bánh Trung thu mô hình gia đình nhỏ lẻ xâm nhập vào thị trường một cách dễ dàng. Theo quy định, các cơ sở sản xuất bánh kẹo nói chung cũng như bánh Trung thu nói riêng phải đăng ký tên cơ sở, bao bì sản phẩm, thành phần nguyên liệu… nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà các cơ sở sản xuất đã cố tình bỏ qua những điều kiện trên.

Không chỉ cho trẻ con, năm nay có cả loại bánh vài chục triệu dành cho nhà giàu, chủ yếu là để đi "biếu". Từ bánh đắt tiền, sinh ra thủ tục biếu xén. Chẳng mấy năm nữa, giống như nước lân cận, ngày Tết Trung thu sẽ trở thành tết của người lớn, giải quyết những việc của người lớn, tóm lại một ngày tết mang hủ tục sẽ xuất hiện.

Hầu như năm nào cũng vậy, sắp đến mùa Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đều phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất bánh nhỏ lẻ. Những cơ sở sản xuất chật hẹp, kém vệ sinh, nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc khá nhiều. Quá trình sản xuất, dụng cụ đóng gói bánh không được sát trùng sẽ là nguyên nhân gây bệnh sau khi ăn. Môi trường sản xuất, đóng gói càng bẩn có nghĩa là sản phẩm càng nhiều vi khuẩn, gây tác hại cho người tiêu dùng.

Đi thị trường Trung thu thấy rõ những cố gắng đó, nhưng vẫn còn chưa đủ. Hãy trả Trung thu về cho trẻ em, biến ngày Tết Trung thu thành biểu tượng của xã hội trong việc chăm sóc trẻ em như nó vốn có. Để các em không thờ ơ với Trung thu và để các bậc cha mẹ không còn phải băn khoăn trước mâm bánh trông trăng con mình có nên ăn không.