Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về danh mục phí, lệ phí

D. Tùng - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố.

Theo đó, 3 khoản phí không thay đổi tên, mức thu, quản lý sử dụng gồm: phí bình tuyến, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống; lệ phí cấp giấy phép xây dựng; lệ phí đăng ký kinh doanh.

Một khoản phí, lệ phí không thay đổi mức thu, chỉ đổi lại tên theo Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đó là lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 

Theo Nghị quyết, các khoản phí, lệ phí không thay đổi mức thu, chỉ điều chỉnh, bố sung nội dung thu, đối tượng miễn giảm, đơn vị thu, quản lý sử dụng, gồm: phí thư viện; phí cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo; phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết phí khai thác và sử dụng tài liệu về đất đai; lệ phí đăng ký cư trú; lệ phí hộ tịch.

Các khoản phí, lệ phí điều chỉnh mức thu, nội dung thu, đối tượng miễn giảm, quản lý sử dụng gồm: lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Bốn khoản phí sử dụng tài nguyên nước (phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò đánh giá trữ lượng, khai thác, sử dụng nước dưới đất; phí thấm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; phí thẩm định đề án xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi; phí thẩm định điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất); phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Điều chỉnh phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (riêng đối với di tích Chùa Hương, tăng mức thu phí từ 49.000đ lên 78.000đ đối với vé thường, từ 24.000đ lên 38.000đ đối với vé ưu đãi).

Các khoản phí, lệ phí cần bổ sung mới theo quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí gồm: Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.
 Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh trình bày tờ trình tại kỳ họp

Cũng theo Nghị quyết, 3 khoản phí, lệ phí chưa ban hành quy định thu gồm: phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (thành phố Hà Nội không phát sinh khoản phí này); lệ phí cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân; phí sử dụng đường bộ đối với tuyến đưòng do địa phương quản lý.

Trước đó, trình bày tờ trình tại kỳ họp, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí và các Nghị quyết thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, theo đó, hệ thống các văn bản quy định thu phí tại địa phương được ban hành kịp thời, đồng bộ, theo đúng thẩm quyền, tạo ra khung pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện; công tác tổ chức, thu nộp và quản lý sử dụng nguồn thu phí, lệ phí được công khai, minh bạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính…

UBND Thành phố Hà Nội đã tổng hợp kết quả thu các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố như sau: năm 2014 là 4.165 tỷ đồng, năm 2015 là 5.727 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 là 3.313 tỷ đồng.

 Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Đối với người nộp phí, lệ phí (các tổ chức, cá nhân): Cần xây dựng mức thu đảm bảo hài hòa giữa việc bù đắp chi phí, phục vụ công tác quản lý nhà nước với khả năng đóng góp của người nộp phí, lệ phí. Mức thu, các quy định thu cần đảm bảo ổn định, tạo thuận lợi cho người nộp, trường hợp thay đổi cần theo lộ trình, tránh xáo động, ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí.Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, đánh giá sau gần 13 năm thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí cho thấy chính sách phí và lệ phí hiện hành bộc lộ một số bất cập. Từ đó, UBND Thành phố trình, xin ý kiến HĐND Thành phố: Đối với kinh tế, xã hội cần rà soát, đánh giá các khoản phí đang thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố phù hợp với Danh mục các khoản phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố và xu hướng phát triển, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các quan hệ kinh tế - xã hội được phát triển một cách thuận lợi, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với tổ chức thu phí, lệ phí cần quy định rõ ràng cơ chế quản lý, sử dụng đối với phí, lệ phí đảm bảo tính công khai, minh bạch, từ đó thúc đẩy cơ chế tự chủ của các cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; từng bước nâng cao chất lượng của các dịch vụ công, hành chính nhà nước.

Đối với thu Ngân sách nhà nước: Việc xây dựng các mức thu phí từng bước đảm bảo bù đắp các chi phí phục vụ công tác thu, giảm chi từ ngân sách cho thực hiện công việc thu phí. Đối với các khoản lệ phí: Nộp 100% vào ngân sách nhà nước, chi phí cho công tác thu được Ngân sách cấp theo Dự toán được duyệt hàng năm.

Căn cứ quy định về các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố tại Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố quy định mức thu; quản lý sử dụng phí, lệ phí, cụ thể: Các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh theo Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí 24 khoản, Các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Bộ Tài chính và ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu cụ thể 4 khoản; Các khoản phí, lệ phí bãi bỏ 15 khoản.