Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy từ tin đồn

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin mà internet mang lại rất lớn và rất đa dạng. Song song với nó nhu cầu chia sẻ thông tin cũng như bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của người dùng trên mạng xã hội cũng vô cùng lớn.

Chuyện ấy đã rõ, nhưng những hệ quả xấu mà nó đem lại cũng nghiêm trọng không kém. Một vài chuyện gần đây trên mạng xã hội cũng là bài học cảnh tỉnh.

Tin đồn khác với dư luận. Dư luận là khi nhân một chuyện nào đó, thường là có thật, được thêm thắt và lan truyền. Trong quá trình lan truyền, mỗi người mỗi ý, thêm thắt chủ quan vào cốt chuyện, còn tin đồn là không biết từ đâu phát ra, không biết chuyện ấy có thật hay không nên rất khó tìm ra gốc rễ. Thường thì tin đồn mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, rất hiếm căn cứ để tin. Nhưng vừa qua, trên mạng xã hội, một tiếng nói khá tin cậy của dư luận lại có tin đồn, mà càng ngày càng nhiều hơn.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Chuyện thứ nhất là, trong tháng 7 vừa qua, nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về chuyện trộm chó gây hoang mang, thậm chí gây bức xúc trong dư luận. Bức xúc đến nỗi đi đâu cũng gặp chuyện trộm chó, người nào cũng bị nghi là kẻ trộm, càng về nông thôn, vùng sâu vùng xa càng bị nghi ngờ. Nghi ngờ đến nỗi, hai người phụ nữ bán tăm cũng bị nghi oan bắt cóc trẻ con tại Sóc Sơn (Hà Nội). Câu chuyện là bà Lê Thị B. (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị P. (52 tuổi, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) là thành viên của hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, đến xã Mai Đình để bán tăm. Khi đến thôn Thái Phù, hai bà đến một nhà vắng vẻ, thấy cháu bé đang ở trong sân, hai người gọi cháu xem người nhà đi đâu để bán tăm thì bị hiểu lầm là bắt cóc trẻ em, nên người dân đuổi theo, đánh đập. Một số người quay clip và đăng tải lên mạng xã hội. Những hình ảnh đó được lan truyền chóng mặt trên các trang cá nhân và các trang nhóm, hội. Nhiều người dùng mạng xã hội lúc dù chưa biết chính xác câu chuyện nhưng đã nhanh tay "like" hoặc chia sẻ những clip như là lời cảnh báo và thể hiện sự “bức xúc” về những kẻ “bắt cóc”. Sự việc gây hoang mang về nạn bắt cóc trẻ con đã lan đến tận TP và hai người phụ nữ đã tuổi gần kề miệng lỗ còn đi bắt cóc trẻ con khiến nhiều người bàn tán hả hê. Hoá ra, chuyện đó chỉ là tin đồn.

Một chuyện khác, mới đây một tài khoản facebook của Phạm Thị M. (27 tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, hộ khẩu thường trú ở Nho Quan, Ninh Bình) không biết nghe ở đâu vội tung tin về việc máy bay rơi ở Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trên trang facebook cá nhân. Lập tức, cô nhận được nhiều lượt chia sẻ ở các diễn đàn lớn, nhưng trên thực tế là Vietnam Airlines không có chiếc máy bay nào rơi. Trước tin đồn đó, Công an TP Hà Nội buộc phải vào cuộc, triệu tập Phạm Thị M. để xác minh, làm rõ và xử lý. Hóa ra, cũng là tin đồn. Phạm Thị M. phải đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” theo Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Mạng xã hội rất rộng lớn và lượng thông tin mà nó cung cấp cho người dùng cũng rất nhiều, và cũng mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, hậu quả của tin đồn từ mạng xã hội lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý, an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội. Thiết nghĩ, trong thế giới hiện đại, người dùng phải biết tiếp nhận, chia sẻ thông tin một cách có chọn lọc để mạng xã hội phát triển lành mạnh, giảm những mặt tiêu cực. Không phải cứ thông tin nhanh mà đã là chính xác và không phải cứ nhiều người tin thì là lẽ phải.