Xoay quanh BĐS là một 'hệ sinh thái' kinh tế liên quan và cộng hưởng lẫn nhau. Không có những công trình thì sắt thép, xi măng, gạch, kính, nội thất, thiết kế, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển. Một cơn hắt hơi của BĐS cũng khiến nhiều ngành nghề có liên quan điêu đứng theo.
BĐS gặp khó, gạch thép... lo đói
Dọc đường Trường Chinh (Hà Nội), hàng trăm cửa hàng bán vật liệu xây dựng như thép, gạch men, thiết bị vệ sinh, nhà bếp… lúc nào cũng tấp nập người ra vào.
Anh Phạm Văn An, chủ một cửa hàng bán gạch men chia sẻ: Việc làm ăn mới tốt dần lên từ năm ngoái đến nay thôi sau mấy năm đói kém do BĐS không có người mua. Làm nghề này, nhà đất họ hắt hơi là cả con đường này đã biết ngay rồi. Không có dự án, không có người mua nhà thì vài trăm cửa hàng ở đây không biết bán hàng cho ai.
Những cửa hàng bán đủ thứ vật liệu xây dựng cho đến đồ nội thất ở đường Trường Chinh là hình ảnh sống động cho mối liên kết giữa thị trường BĐS đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Trên khắp đất nước, không thể đếm xuể những con đường, khu chợ như thế để phục vụ BĐS.
Thị trường bất động sản là động lực cho hàng trăm ngành nghề khác nhau phát triển. |
PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cho rằng: BĐS phát triển sẽ là đầu mối kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp có cơ hội phát triển theo như sắt, thép, xi măng, thiết kế xây dựng… Đi kèm với BĐS còn phải có giao thông. Như vậy BĐS đã khiến các ngành công nghiệp có cơ hội phát triển nhưng điều quan trọng là những ngành đi theo ấy có tận dụng được hay không.
Thực tế, nếu không có những tòa nhà, những công trình quy mô lớn thì sắt thép, xi măng, gạch, kính, nội thất, thiết kế, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển.
Bằng chứng là từ năm 2011, BĐS ‘đóng băng’ đã khiến nhiều ngành khác “chết” theo. Ngành thép đã bị tác động mạnh bởi thị trường bất động sản ốm yếu trong nhiều năm liền. Khó khăn của năm 2011 đã khiến 5 đến 6 doanh nghiệp ngành thép phá sản và nhiều doanh nghiệp khác “chết lâm sàng”.
Sang 2012, BĐS vẫn èo uột. Nhu cầu thép không tăng trưởng, sức tiêu thụ thấp khiến nhiều DN ngành thép có lượng hàng tồn kho tăng cao, hầu hết phải cắt giảm sản xuất. Trong 2012, sản lượng sản xuất thép xây dựng đã giảm hơn 10% trong khi tiêu thụ giảm 17%. Phải đến 2015-2016, khi BĐS dần có dấu hiệu phục hồi thì sức sống mới trở lại với ngành thép.
Còn khi BĐS đóng băng thì nhiều nhà máy xi măng cũng khó khăn như: xi măng Hoàng Mai, xi măng Tam Điệp, xi măng Thái Nguyên và xi măng Đồng Bành… Từ đầu năm 2015 đến nay, do thị trường BĐS có nhiều tín hiệu khởi sắc nên nhiều DN xi măng cũng thoát khỏi vận hạn.
Mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, hiện nay nước ta có hơn 800 khu đô thị mới đang được quy hoạch kéo theo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng tạo đà cho ngành này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế không có nhiều đột biến nhưng riêng trong lĩnh vực đô thị, hạ tầng và nhà ở sẽ kéo theo sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, giúp thị trường này phát triển lạc quan với tăng trưởng khoảng 10%/năm.
Lớn lên cùng tăng trưởng bất động sản
Nhờ thị trường BĐS phát triển, trên sàn chứng khoán, giá nhiều cổ phiếu ngành thép, gạch men, đá xây dựng, thi công… đã đạt sự phát triển tốt với mức tăng gấp đôi, gấp ba lần.
Không có những công trình thì sắt thép, xi măng, gạch, kính, nội thất, thiết kế, thiết bị gia dụng… cũng mất đi cơ hội phát triển. |
Một công ty có tên tuổi khác trong lĩnh vực xây dựng là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) cũng không chịu kém cạnh. Trong 2 tháng trở lại đây giá cổ phiếu CTD đã tăng lên 18,7% và giá tiến sát mức 200.000 đồng/cổ phiếu. Coteccons cũng chính là đối tác của những chủ đầu tư bất động sản lớn. Và mỗi lần công bố trở thành nhà thầu cho các dự án của các ông lớn BĐS thì lập tức cổ phiếu CTD có biến động tích cực.
Một tên tuổi thi công lớn thường được nhắc đến khi nói đến BĐS là Long Giang. Đây là nhà thi công nền móng bằng phương pháp khoan cọc nhồi. Thị trường BĐS nhất là các các đô thị mới, nhà cao tầng ngày càng nhiều là cơ hội cho Long Giang phát triển.
Những Hòa Bình hay Coteccons, Long Giang sẽ khó có cơ hội đột phá nếu không có thị trường BĐS phát triển. Báo cáo phân tích về ngành xây dựng dân dụng của Công ty CP Chứng khoán ngân hàng quân đội (MBS) đã đánh giá: Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng có sự tương quan chặt chẽ với sự phát triển của thị trường bất động sản. Kể từ khi nền kinh tế hồi phục, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt bình quân khoảng 4,4%/năm trong giai đoạn 2013 – 2015. Chính sự hồi phục và triển vọng khả quan của thị trường BĐS, tăng nhanh của mức độ đô thị hóa… là những yếu tố khiến thị trường xây dựng dân dụng phát triển hơn trong giai đoạn 2016 – 2017.
Phân tích trên cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có hiệu ứng lan tỏa đến các ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Cũng như mọi nền kinh tế khác, BĐS là một ngành không thể thiếu trong nền kinh tế. Ngoài tạo lập nhà ở cho người dân, đóng thuế cho nhà nước qua những dự án đầu tư BĐS, các doanh nghiệp bất động sản còn có vai trò quan trọng thúc đẩy những ngành kinh tế khác phát triển.