KTĐT - Hiện nay, cả nước đã có hơn 700 đô thị, trong đó có gần 100 thành phố và thị xã. Các đô thị không chỉ phát triển về quy mô, diện tích mà đã được nâng cao nhiều về chất lượng như hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng, từng bước hình thành hệ thống các đô thị hiện đại văn minh.
Trong 10 năm qua, hệ thống đô thị Việt Nam phát triển với tốc độ mạnh mẽ, diện mạo đô thị đã thay đổi theo chiều hướng ngày một hiện đại, văn minh hơn. Tuy nhiên, quá trình phát triển mở rộng của các đô thị cùng với tốc độ đô thị hoá quá nhanh đã bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý, xây dựng đô thị, chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn.
Đồ án quy hoạch chỉ như “vật trang trí”
Hiện nay, cả nước đã có hơn 700 đô thị, trong đó có gần 100 thành phố và thị xã. Các đô thị không chỉ phát triển về quy mô, diện tích mà đã được nâng cao nhiều về chất lượng như hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng, từng bước hình thành hệ thống các đô thị hiện đại văn minh. Tuy nhiên, công tác quản lý xây dựng tại các đô thị vẫn còn những bất cập, nhiều địa phương báo cáo quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/ 2.000 được phủ kín 50-60% diện tích quy hoạch xây dựng chung, thậm chí có nơi được phủ kín 70-80%, song giá trị thực tiễn của các đồ án quy hoạch lại rất thấp.
Ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, các đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn chưa được xem như một chế định pháp luật để thực hiện, đôi khi còn được xem như “một vật trang trí” nhằm báo cáo thành tích, điều này đã gây ra sự lãng phí rất lớn trong đầu tư xây dựng, và đây cũng là nguyên nhân của những tiêu cực, tham nhũng, gây ra những bức xúc trong nhân dân.
“Trách nhiệm ở đây không chỉ là một đồ án quy hoạch chất lượng thấp, mà nó còn là một sự lãng phí không thể tính hết trong quá trình phát triển xây dựng đô thị, đồng thời nó đang tạo ra những tiêu cực xã hội, những khiếu kiện phức tạp khó giải quyết dứt điểm”, ông Yên nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dù hiện nay nội dung các đồ án quy hoạch ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung đều đang được xây dựng một cách đơn giản cả về tổ chức không gian và kỹ thuật, chưa có gì phức tạp như hệ thống công trình ngầm, giao thông lập thể nhiều tầng bậc…nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng lại chưa theo kịp, dẫn đến tình trạng có nhiều dự án bị quy hoạch treo. Vì thực tế quy hoạch duyệt rồi nhưng lại để đấy không triển khai hoặc triển khai chậm do thiếu nguồn lực hoặc do cơ chế chính sách chưa hợp lý, đặc biệt là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, có một thực tế nữa là quy hoạch thì rất bài bản, hợp lý, song do thiếu nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đã dẫn đến việc đầu tư dàn trải, manh mún khiến cho đô thị thiếu tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, chắp vá về không gian, cảnh quan kiến trúc.
Cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan
Ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để phát triển đô thị Việt Nam một cách bền vững thì cần phải có sự phối hợp giữa các Bộ và các bên liên quan để xây dựng những quy định cơ bản định hướng cho quan hệ đối tác giữa công và tư, tránh những mâu thuẫn về quyền lợi, xây dựng lòng tin đối với những đối tác góp vốn, tạo môi trường khuyến khích phù hợp để thu hút tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các hoạt động dịch vụ hạ tầng đô thị phải trở lên minh bạch và phải được kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, cần tạo nguồn vốn đầu tư bằng cách thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị , thành lập quỹ phát triển hạ tầng của tỉnh tập trung vào cho vay dựa trên các điều khoản thương mại đầy đủ, có thể cho vay toàn bộ hoặc kết hợp với tài trợ từ một số nguồn tài chính khác.
Ông Yên thì cho rằng, hiện nay lực lượng những người làm công tác quy hoạch xây dựng của đất nước không thiếu, vấn đề là những người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền quyết tâm thực hiện và phải coi đề án quy hoạch xây dựng sau khi được duyệt như một chế định pháp luật để quản lý, điều hành trong việc xây dựng. Bên cạnh đó, những người lãnh đạo ở các Viện, các tổ chức tư vấn cần có “tâm” và có trách nhiệm với sự nghiệp quy hoạch xây dựng của đất nước, như thế trong tương lai chúng ta sẽ có những đô thị, những điểm dân cư nông thôn đẹp và phát triển bền vững.