Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch toàn quốc: Lợi ích và hữu hiệu

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đã chính thức triển khai hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với việc hoàn thiện phần mềm này, vừa tạo thuận lợi cho công dân và công tác phục vụ của cán bộ, qua đó phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Giao diện website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Để triển khai trên toàn quốc, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) đã có điện gửi giám đốc Công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và triển khai thực hiện phần mềm quản lý dân vùng dịch tại địa phương từ ngày 11/8. Khi thực hiện, công dân truy cập vào địa chỉ website: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn thông qua thiết bị di động smartphone hoặc máy tính có kết nối internet. Thông tin của công dân kê khai sẽ được kiểm tra đối chiếu với dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư (DC). Thông qua việc kê khai trên website và đối chiếu thông tin sẽ kịp thời truy vết di chuyển công dân khi có yêu cầu… Có thể thấy, với việc triển khai phần mềm này, công dân có thể chủ động kê khai trước thông tin, tạo mã QR Code để kiểm tra qua chốt kiểm dịch, không mất thời gian kê khai bằng giấy bút thủ công. Khi qua chốt kiểm dịch, phối hợp với cán bộ công an thực hiện thao tác kiểm tra nhanh chóng, rút ngắn thời gian, không làm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, trường hợp người không sử dụng điện thoại thông minh vẫn có thể kê khai qua giấy để cán bộ công an trực chốt tập hợp nhập vào hệ thống. Đối với xe luồng xanh thì triển khai và kiểm tra trước khi xuất bến.
Như vậy, so với những ứng dụng khai báo y tế hiện nay như bluezone, tokhaiyte, ứng dụng của Bộ Công an triển khai có điểm khác biệt lớn. Hệ thống này được chia sẻ với Cơ sở DLQG về DC nên hiển thị đầy đủ hơn thông tin cá nhân. Việc triển khai phần mềm này sẽ mang lại hiệu quả trong quản lý công dân ra/vào vùng dịch; Kịp thời truy vết F0, F1, F2; Báo cáo kết quả với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp giúp triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch vừa tiết kiệm chi phí…

Thực tế, tại chốt kiểm soát số 2, Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến đường phía Nam ra, vào Thủ đô với mật độ người và phương tiện rất lớn, từ ngày 2/8, hệ thống đã đưa vào sử dụng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tại đây, người dân thực hiện thao tác qua chốt thuận lợi, không mất thời gian, không ùn tắc giao thông, đồng thời bảo đảm giãn cách tránh sự lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp khi công dân ra, vào thường xuyên trong ngày chỉ cần khai một lần duy nhất khi dùng mã QRcode thì bộ phận y tế sẽ quét lại là biết công dân đó đã qua bao nhiêu lượt...

Đồng tình và cho rằng việc triển khai hệ thống khai báo y tế quản lý công dân vùng dịch trên toàn quốc là rất cần thiết. Nhưng việc bảo đảm quyền nhân thân, bí mật đời tư của mọi người trong việc thực hiện khai báo y tế ở đây ra sao? Bí mật đời tư, quyền nhân thân của hàng triệu người có rất nhiều người truy xét được thì liệu có thể xảy ra bất ổn về an ninh, an toàn cho mỗi cá nhân khi tham gia cộng đồng mạng y tế này? Do vậy, chúng ta cần phải có biện pháp bảo đảm bí mật, an toàn về nhân thân của mọi người. Việc tiết lộ bí mật đời tư của mọi người cần phải được nghiêm cấm. Và đặc biệt, phải có chế tài xử phạt xử lý việc để “lọt” bí mật đời tư và quyền nhân thân của công dân khi khai báo y tế. Qua đó, mới bảo đảm được an toàn, an ninh cho công dân đồng thời phát huy được hiệu quả của hệ thống. Có như vậy, việc triển khai hệ thống vừa mang lại nhiều lợi ích và là biện pháp hữu hiệu để chúng ta tiếp tục đồng lòng, chung sức đẩy lùi và chiến thắng “giặc Covid-19”!