Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết lo tiền quà tặng lễ kỷ niệm

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy định “Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”, Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương vừa được Chính phủ ban hành đã được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đi dự lễ kỷ niệm không còn có quà
Theo thống kê, một năm có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương với quy mô và cách thức tổ chức ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, những quy định cụ thể về tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống trước khi Nghị định 111 ban hành vẫn là một khoảng trống. Một số ngành còn tồn tại cả ngày thành lập lẫn ngày truyền thống. Đơn cử như ngành công an có nhiều ngày kỷ niệm của các đơn vị và các lực lượng khác nhau. Nếu năm nào cũng tổ chức đủ các ngày nêu trên thì sẽ tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền của.
 

Sự việc chi 65 tỷ đồng làm quà tặng 20 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc đã khiến dư luận bất bình.

Không chỉ có vụ việc Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp thành lập tỉnh hay Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam với hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống, dư luận còn bức xúc về tình trạng hoang phí trong sự kiện kỷ niệm của các bộ, tỉnh, ngành. Rất nhiều lễ kỷ niệm của các đơn vị, dù không phải là năm tròn nhưng cũng được tổ chức linh đình. Tiền chi cho túi quà tặng gồm các cuốn sách, tập kỷ yếu, bộ ấm chén, cặp… Khách tham dự nhận xong rồi về cũng không biết cất ở đâu hay giữ để làm gì. Chưa hết, tiền chi cho lễ kỷ niệm rất tốn kém, sân khấu hoành tráng với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên, đầu tư nhiều tỷ đồng... là cảnh tượng thường gặp ở không ít địa phương trong nhiều năm qua.

Nghị định 111 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018. Với 4 chương, 18 điều, hành lang pháp lý này còn đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về các nội dung khác như: Công nhận ngày truyền thống; tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; điều kiện, yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng.
Nhằm hạn chế thực trạng trên, Bộ VHTT&DL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định nhằm quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các ngành, tỉnh, TP trực thuộc T.Ư... Nghị định 111 ra đời với nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống theo quy định: “Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền. Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm. Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”.

Tiết kiệm tiền cho dân

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ: “Có những lễ kỷ niệm là cần thiết vì thuộc về văn hóa truyền thống không thể bỏ nhưng việc tổ chức không được lãng phí, tốn kém bởi đó cũng là tiền thuế của người dân”. Lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị định quy định kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống nên được dư luận đồng tình ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy bình luận thêm: Có văn bản danh chính ngôn thuận như vậy thì đây là cơ sở, là “cây gậy” để giúp cho công tác quản lý Nhà nước và đồng thời giúp cho người dân thực hiện hành vi của mình chuẩn mực nhất.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thu Hương: Từ thực tế yêu cầu cần phải có quy định chặt chẽ, chuẩn mực cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Sự ra đời của Nghị định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý cần thiết nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, thiếu thống nhất trong cách thức tổ chức cũng như sự lãng phí, phô trương khi các lễ kỷ niệm phải “vung” quá nhiều tiền.