Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết lòng vì trẻ bất hạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngót 16 năm gắn bó với lớp học tình thương và ở cái tuổi hơn "bát thập", bà giáo Hồ Hương Nam (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) vẫn hàng ngày không quản nắng mưa, hết lòng với những mảnh đời bất hạnh.

Năm 1997, trong một đợt đi tuyên truyền về dân số, nhìn những đứa trẻ bị khuyết tật, gia đình lại khó khăn, không có điều kiện đi học, bà Nam vô cùng thương cảm và muốn mở lớp để chăm sóc, dạy dỗ cho các cháu. Ban đầu, khi thấy bà có ý định này, gia đình, người thân và chính quyền đều phản đối, cho rằng, bà lẩm cẩm. Nhưng trước quyết tâm của bà mọi người cũng dần dần ủng hộ. Thời gian đầu mới mở lớp, bà gặp rất nhiều khó khăn, lớp học thường xuyên bị di chuyển. Thấy bà chật vật tìm chỗ dạy, cô Nguyễn Thị Vân (nguyên Hiệu trưởng trường THCS An Dương) đã sắp xếp cho bà một phòng nhỏ ngay trong trường và đến nay, vẫn được duy trì.

 
Hết lòng vì trẻ bất hạnh - Ảnh 1
Bà giáo Hồ Hương Nam đang dạy chữ cho cháu Phương Anh.

Hiện, lớp học của bà có 15 học sinh đều bị khuyết tật, thậm chí bị đa khuyết tật. Điển hình như Thoa, vừa bị bệnh đao, vừa bị tự kỷ, đã học ở lớp này 15 năm, nhưng viết vẫn chậm chạp. Hoặc như anh Lưu Hồng Dương (An Dương) cũng đã đến lớp này hơn chục năm và giờ đã biết đọc, biết viết, biết dùng máy tính. Rồi em Phương Anh (Phúc Xá) bị câm và điếc cũng đã được bà Nam tận tình dạy dỗ trong 2 năm đã biết viết thành thạo. Với những học sinh đặc biệt này, bà luôn nhẹ nhàng, vuốt ve và âu yếm để tránh sợ hãi. Thấu hiểu nỗi đau mà các em phải gánh chịu, bà giáo Nam đã làm hết sức có thể để mang lại niềm vui cho các em mà không nhận ân huệ nào. Với bà, món quà lớn nhất đó chính là nụ cười, sự tiến bộ của các học trò. Không chỉ dạy chữ, bà còn dạy họ cách hòa nhập với cuộc sống, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh Đỗ Đình Lai, phụ huynh em Đỗ Thành Long tâm sự, Long bị bệnh tự kỷ, không chịu nghe lời, hay cáu gắt, đập phá, từ khi được học với bà giáo Nam, Long tiến bộ trông thấy, chịu khó nghe lời và tự giác hơn. 

Đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ý chí, sự minh mẫn vẫn toát lên ở bà giáo nhỏ nhắn, gốc Huế này. Giờ đây, định mệnh đã gắn cuộc sống của bà với những mảnh đời bất hạnh, giúp bà có sức mạnh vượt qua bệnh tật, tuổi tác. Bà chia sẻ, từ khi gắn bó với các cháu khuyết tật, bà lại càng thấy thương các cháu hơn và muốn làm thật nhiều việc ý nghĩa hơn nữa để giúp các cháu vượt qua bệnh tật, hòa nhập cuộc sống. Khi nhìn thấy các cháu được học hành, vui chơi, bà thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.

Không chỉ mang con chữ đến với những mảnh đời bất hạnh, bà giáo Nam còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xã hội khác. Dường như mọi hoạt động xã hội của phường Yên Phụ đều có bóng dáng của bà và công việc nào bà cũng đảm nhiệm tốt với tinh thần trách nhiệm cao.