Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết tháng 7/2018, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng

Minh Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến 31/7/2018, nguồn vốn huy động của Agribank tại thị trường I quy đổi VND đạt 1.114.602 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%), đạt 3,8% so với kế hoạch tăng trưởng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank phát biểu tại Hội nghị triển khai tín dụng trọng tâm 5 tháng cuối năm.
Dư nợ cho vay quy đổi VND (không bao gồm trái phiếu VAMC 23.278 tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp 569 tỷ đồng) đạt 930.409 tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước +6,2%), trong đó: dư nợ cho vay đối với Hộ sản xuất và cá nhân là 653.500 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 70,2% trong tổng dự nợ cho vay nền kinh tế và dự nợ cho vay Doanh nghiệp đạt 276.909 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 29,8% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Thu dịch vụ đạt 3.205 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ; Thu nợ đã xử lý rủi ro, bán cho VAMC đạt 5.154 tỷ đồng, đạt 44,8% so với kế hoạch năm 2018.
Dự báo về môi trường kinh doanh những tháng cuối năm 2018: tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%; Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%; Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD; Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho hay, trong điều kiện vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, không thuận lợi của cả khách quan và chủ quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; Hội đồng thành viên và Ban điều hành Agribank xác định nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu những tháng cuối năm 2018 cần tập trung triển khai:
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng, cơ chế quản trị điều hành liên quan đến hoạt động tín dụng có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoạt động kinh doanh; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng làm cơ sở cho việc tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu; Đẩy mạnh phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với UBND, Hội nông dân, Hội phụ nữ, cho vay qua tổ lưu động; Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2022 theo chỉ đạo của NHNN về thí điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14; Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác tín dụng; tiếp tục đầu tư sản xuất thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ quy trình nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các khoản vay vượt quyền phán quyết; Thường xuyên rà soát các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, các khoản bán nợ cho VAMC,...
Lãnh đạo Agribank yêu cầu toàn thể cán bộ, viên chức toàn hệ thống tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, gắn mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đối với từng vị trí công tác; Nhân rộng mô hình, cách làm hay của các đơn vị trong hệ thống trong công tác quản trị điều hành, nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ khách hàng; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành… Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cũng quán triệt tinh thần tăng cường sự gắn kết, đồng hành giữa Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành, Trụ sở chính với Chi nhánh trong việc thực hiện các mục tiêu chung của Agribank nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Agribank tiếp tục đặt khách hàng là trung tâm, tối đa hóa các nguồn lực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phong cách giao dịch để hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất… đưa Agribank tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đóng vai trò tích cực trong quá trình thực hiện chính sách phát triển "Tam nông" của Đảng và Nhà nước.