Tuy nhiên, việc đấu thầu vẫn gặp nhiều rào cản. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/12.
Chấm dứt tình trạng mỗi nơi một giá
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện thuốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT nói riêng. Theo đó, tổng chi cho thuốc từ Quỹ BHYT năm 2015 là 26.132 tỷ đồng (chiếm 48,3%); năm 2016 là 31.5419 tỷ đồng (chiếm 41%). Tỷ lệ này cao hơn các quốc gia có điều kiện tương đồng về kinh tế - xã hội. Để xảy ra tình trạng này là do việc đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, TP và cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến giá trúng thầu khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc quốc gia vào tháng 3/2017. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thông tin, trong lần đầu tiên triển khai đấu thầu thuốc tập trung, Trung tâm đã đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 - 2019. Kết quả, tổng giá trị kế hoạch các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch). Đây là thông tin đáng mừng, chấm dứt được tình trạng mỗi nơi một giá, dù cùng một loại thuốc, cùng một dạng hoạt chất, bào chế.
Còn đó những bất cập
Chia sẻ về công tác đấu thầu thuốc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, dù đạt được những thành công nhất định, song việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Bộ Y tế không quy định các tỉnh, TP được thành lập Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung, do vậy các tỉnh phải giao cho một bệnh viện (BV) tổ chức đấu thầu. Điều này gây ra tình trạng quá tải bởi BV không phải là đơn vị chuyên nghiệp. Ngoài ra, trong danh mục đấu thầu tập trung có một số hoạt chất ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ, vì vậy nhà thầu không ký hợp đồng hoặc không cung ứng. Sở Y tế Hà Nội kiến nghị xem xét tổ chức 2 cấp độ đấu thầu. Bộ Y tế đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, còn cấp địa phương, các cơ sở y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại.
Theo đại diện BV K, khó khăn nhất của BV là trong danh mục đấu thầu thuốc tập trung đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một hàm lượng gây khó khi phối hợp liều điều trị cho bệnh nhân. BV K kiến nghị Bộ Y tế và BHXH có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc/thuốc generic nhóm 1 đối với từng hạng BV và BV chuyên khoa.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, sẽ nghiên cứu giải quyết các vướng mắc trong đấu thầu thuốc tập trung. Tuy nhiên, Bộ thống nhất mở rộng danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá, góp phần vào các giải pháp chung của Bộ Y tế để tiếp tục giảm giá thuốc theo chỉ đạo của Chính phủ.
So sánh 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), mức giá của Việt Nam đối với thuốc biệt dược gốc thấp hơn 10% mức trung bình của 6 nước; đối với thuốc generic, Việt Nam thấp hơn 33% so với mức trung bình của 6 nước. Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo |