Điểm nổi bật của Quy chuẩn sửa đổi là phân biệt rõ 2 nhóm sữa dạng lỏng là sữa tươi và sữa bột pha lại (gồm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp).
Các loại sữa sẽ được phân chia thành các nhóm rõ ràng. Cụ thể nhóm sữa tươi gồm có sữa tươi nguyên chất, sữa tươi nguyên chất tách béo. Sữa hoàn nguyên là sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột, sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô phù hợp của sữa... Thành phần sữa chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Còn sữa pha lại là sản phẩm được chế biến bằng cách pha trộn chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có bổ sung hoặc không bổ sung nước để thu được sản phẩm có thành phần phù hợp với thành phần của sữa... Thành phần sữa chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Sữa hỗn hợp là sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần của sữa... Thành phần sữa chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.
Nhóm sữa cô đặc là sản phẩm thu được bằng cách loại bỏ một phần nước từ sữa tươi nguyên liệu bằng nhiệt hoặc bằng bất kỳ phương pháp nào khác. Hàm lượng chất béo, protein của sữa có thể được điều chỉnh bằng cách bổ sung hoặc loại bớt thành phần sữa mà không làm thay đổi tỷ lệ giữa whey protein và casein của sữa.
Sữa đặc có đường là sản phẩm thu được bằng cách loại bỏ một phần nước từ sữa tươi nguyên liệu hoặc bổ sung nước vào sữa bột, có bổ sung đường. Hàm lượng chất béo, protein của sữa có thể được điều chỉnh bằng cách bổ sung hoặc loại bớt thành phần sữa mà không làm thay đổi tỷ lệ giữa whey protein và casein của sữa.
Sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật là sản phẩm được chế biến bằng cách kết hợp sữa tách béo với nước hoặc loại bỏ một phần nước, có bổ sung chất béo thực vật. Sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật là sản phẩm được chế biến bằng cách kết hợp sữa tách béo với nước hoặc loại bỏ một phần nước, có bổ sung đường và chất béo thực vật.
Đánh giá về việc ban hành quy chuẩn này, lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, quy chuẩn mới đã đảm bảo công khai minh bạch tên gọi để người tiêu dùng lựa chọn; phù hợp với thực tiễn sản xuất; phù hợp hội nhập quốc tế.