Trước đó, hồi giữa năm 2017, một kho phế liệu tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội cũng bị thiệu rụi. Những vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra cho thấy, hiểm họa từ các điểm thu gom phế liệu vẫn còn rất lớn.
Tiềm ẩn hiểm họaNgày 4/1, khảo sát nhanh một số khu vực tại ngay trung tâm Thủ đô, phóng viên không khỏi giật mình khi ghi nhận những hình ảnh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao của nghề thu gom phế liệu. Tại mặt phố số 239 Đê La Thành (quận Đống Đa), một cơ sở thu mua phế liệu, chủ yếu là kim loại tồn tại đã từ lâu nay. Căn nhà cấp 4 lụp xụp, đang chứa 2/3 phế liệu hư hỏng và có lẽ ngay chủ cơ sở cũng không thể biết hết trong kho của họ đang chứa chính xác những vật liệu gì. Với những món đồ hỏng dính liền chất liệu không cùng chủng loại, họ bóc tách thủ công bằng búa, cưa, đục, hoặc hiện đại hơn là bằng máy cắt, máy hàn xì và đây chính là nguyên nhân thường trực hiểm hoạ cháy nổ. Thời điểm phóng viên có mặt, một nhân công đang say sưa dùng máy hàn xì cắt, tách vật liệu, tia lửa bắn tóe, lòe sáng… điều đáng nói, khu vực họ đang hàn xì là sát chân trạm biến áp Hoàng Cầu 4.
|
Cơ sở thu mua phế liệu tại 239 đường Đê La Thành. Ảnh: Nguyễn Phong |
Các điểm thu gom phế liệu thường đặt cơ sở tại khu dân cư đông người sinh sống. Theo quan sát, cứ khoảng chục dãy phố tại Hà Nội thường có một cơ sở thu gom phế liệu. Lẩn khuất sâu trong ngõ 82 phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa) có một cơ sở như vậy. Gọi là cơ sở cũng chưa đúng bởi đây chỉ là một lán tôn, dựng sơ sài sát tồn tại trong khu dân cư đông đúc… Hình ảnh bao tải to, nhỏ, thùng xốp phế liệu xếp chồng, che khuất biển cảnh báo “Cấm lại gần! có điện nguy hiểm chết người” mãi ám ảnh chúng tôi khi rời khỏi khu vực.
Hơn 10 năm kinh doanh phế liệu tại số nhà 8 khu tập thể Laze (phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa), bà Phạm Thị Thu cho biết, qua thông tin nhiều vụ nổ trong thu mua phế liệu nên cơ sở rất thận trọng trong kinh doanh. Phế liệu đào dưới đất hoặc chưa thu mua bao giờ là bà dứt khoát không mua của khách. Mưu sinh thì không thể bỏ nghề nhưng quan trọng nhất vẫn chính là tính mạng của toàn thể gia đình bà đang sinh sống tại đây. “Một số người vì lợi nhuận lại làm vậy, tai tiếng cho nghề thu mua phế liệu. Có khi, việc họ gây ra lại liên lụy đến cả ngành nghề chúng tôi” – Bà Thu chép miệng than thở khi đề cập đến vụ nổ nghiêm trọng vừa xảy ra tại Bắc Ninh.
Hậu quả nặng nề từ thiếu hiểu biếtTan hoang, tang thương là những điều đọng lại sau vụ nổ kho phế liệu tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) vừa xảy ra vào rạng sáng 3/1 vừa qua. Vụ nổ khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương. Tính đến sáng 4/1, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được hơn 70 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó gần chục ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi khởi tố vụ án để điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, chủ kho phế liệu) khai nhận, đã mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ để tháo dỡ phế liệu. Hiện tại, lực lượng chức năng đã thu gom lại được hơn 3 tấn đầu đạn.
Người dân Thủ đô chắc hẳn chưa quên vụ nổ vào tháng 3/2016 tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông. Chủ cơ sở kinh doanh phế liệu đã mang một vật liệu nổ ra vỉa hè, tiến hành cưa gây nổ. Vụ nổ đã tạo ra một hố rộng hơn 4m, sâu khoảng 1m. Hậu quả làm 4 người tử vong tại chỗ, hơn 10 người khác bị thương. Hàng chục ngôi nhà liền kề cùng nhiều tài sản giá trị bị hư hỏng nặng…
Vẫn biết nghề thu gom phế liệu là nhọc nhằn mưu sinh, tuy nhiên do thiếu hiểu biết, chưa ý thức được hậu quả trầm trọng khi xảy ra cháy nổ, nhiều cơ sở kinh doanh còn thờ ơ với sự an toàn của chính họ và cho xã hội. Trong khi đó, trên địa bàn Thủ đô có hàng ngàn điểm thu gom phế liệu tự phát không đảm bảo an toàn cháy nổ. Chính vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền từ cơ sở về an toàn cháy nổ, các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm tra quản lý, đặc biệt việc cấp phép cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu gom, buôn bán phế liệu.