Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiến định rõ mô hìnhchính quyền đô thị và nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 3/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, chế độ chính trị, chế định chính quyền địa phương, thành phần kinh tế, Hội đồng Hiến pháp… là những vấn đề được tập trung thảo luận.

Nhiều lựa chọn cho hiến định các thành phần kinh tế

Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý đối với với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là về tên nước. Các ĐBQH đều nhất trí với lý giải được Dự thảo đưa ra là giữ nguyên tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Tên gọi CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp. 

Các ĐBQH cũng khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi trong Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp với thực tế lịch sử, khách quan, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân nên cần được bảo vệ, đề nghị làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng. Cơ chế này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội, tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng.

Chế định về  vị trí của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 54) vẫn còn nhiều băn khoăn từ các ĐH với sự lựa chọn khác nhau. Trong số 3 phương án Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) nhất trí với phương án 3, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Việc không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, vì kể có thể thiếu và thừa. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau. Cùng về nội dung này, ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) lại cho rằng, nên chọn phương án 2, trong đó khẳng định tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước để thể hiện được rõ hơn bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN của nền kinh tế.

Hiến định rõ mô hìnhchính quyền đô thị và nông thôn - Ảnh 1

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

 

Băn khoăn với quy định về chính quyền địa phương

Vấn đề chính quyền địa phương cũng nhận được sự quan tâm của hầu hết các ĐBQH và ý kiến vẫn còn khác nhau. Dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1 tuy đổi tên là chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay. Đa số ĐBQHn lo ngại vì dự thảo sửa đổi chưa làm rõ hình hài của mô hình chính quyền địa phương.

Đại biểu Lê Văn Tấn (Hà Nam) tán thành phương án 1 khi cho rằng, chính quyền cơ sở rất quan trọng nhưng hoạt động còn hạn chế. HĐND nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả. Việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện chưa được tổng kết. Chính quyền đô thị và nông thôn khác nhau. Chính vì vậy Hiến pháp lần này chưa cần phải quy định rõ các mô hình. 

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại chọn phương án 2 khi đề nghị giữ nguyên như hiện hành vì thời gian vừa qua thí điểm bỏ HĐND quận huyện nhưng chưa có tổng kết. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho rằng phương án 1 quá ngắn gọn, đó lại là phương án được đưa ra khi mà chưa biết việc thí điểm HĐND có thành công hay không.

ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) cũng quan điểm, thiết chế HĐND và UBND phải là thiết chế đồng cấp, có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND. “Đồng ý quan điểm mô hình chính quyền địa phương giữ nguyên như hiện nay, những nơi đặc thù thì có thể theo luật định”.

Hội đồng Hiến pháp nếu có, phải thực quyền

Hội đồng Hiến pháp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Có ý kiến đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan Quốc hội để bảo đảm vai trò giám sát. ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn với sự khác biệt lớn. Nhưng chọn gì đi nữa thì hội đồng này cũng phải bảo đảm tất cả  quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, có sự phân công - phối hợp - kiểm soát giữa các quyền lực Nhà nước. Nếu không có Hội đồng Hiến pháp thì sẽ không bảo đảm được yêu cầu của cử tri cả nước, ai sẽ đứng ra để trả lời cho nhân dân những hành vi vi hiến. Từ trước đến nay không có tổ chức nào đứng ra mà chỉ có báo chí và dư luận lên tiếng. Cần thiết có một thiết chế đủ mạnh, có quyền lên tiếng về những hành vi vi hiến, những hành vi xâm phạm ngang ngược đối với Trường Sa, Hoàng Sa mà nhân dân cả nước đang phẫn nộ”, ông Nhân nói. Nhưng nếu thành lập Hội đồng Hiến pháp mà như dự thảo đưa ra thì không đủ mạnh, chỉ dừng ở việc kiểm tra, kiến nghị.

Có ĐB đề xuất, không  thành lập Hội đồng Hiến pháp, nếu vẫn giữ nguyên như dự thảo. Thay vào đó, phải tăng cường vai trò giám sát, hậu kiểm của các cơ quan như Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân. Cần xác định quyền của hội đồng này thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của Quốc hội giao cho.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục phiên thảo luận đến hết ngày 4/6.

ĐB Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên):

Thành lập cơ quan độc lập giúp Quốc hội giám sát

Trong thời gian qua, có thể nói Quốc hội vẫn chưa làm tốt việc giám sát việc ban hành các văn bản pháp quy, dẫn đến nhiều văn bản vừa ra đời đã phải sửa đổi hoặc không thể thực hiện. Để khắc phục vấn đề trên, Dự thảo lần này cần quy định thành lập một cơ quan độc lập để giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và trong các quy định xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu không, theo tôi nên giao lại chức năng này cho Viện Kiểm sát như trước đây.

ĐB Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc):

Chỉ thu hồi đất đối với ba trường hợp

Về vấn đề thu hồi đất, tôi đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia và vì lợi ích công cộng. Không quy định thu hồi đất vì lý do các dự án phát triển kinh tế - xã hội bởi để ngăn chặn tình trạng thu hồi đất tràn lan dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, sử dụng đất không hiệu quả gây nhiều bức xúc đối với nhân dân trong thời gian vừa qua.

ĐB Hoàng Việt Phương (đoàn Tuyên Quang):

Không trưng mua là hợp lý

Nhà nước thu hồi đất mà không trưng mua như giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ khẳng định quyền quản lý thống nhất của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Các tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng không có quyền sở hữu, việc xác định quyền sử dụng đất là quyền tài sản để làm cơ sở cho việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi, chuyển nhượng, góp vốn đầu tư... là hợp lý.