Hai nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc Ông Trần Đức Hậu, từng là kỹ sư, công ty CP XD công trình 228, thuộc Cienco 4 (Bộ GTVT – Hà Nội), đại diện nhóm G4 cho biết: “Ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM là căn bệnh kinh niên. Muốn chữa trị được căn bệnh này cần phải có “thuốc đặc trị”. Đáp ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, nhóm chúng tôi đã cùng nhau làm việc để cho ra đời nhiều phương án, cuối cùng thống nhất triển khai một phương án tối ưu nhất”. Từ bức xúc của bản thân cũng như của đông đảo người dân khi tham gia giao thông khiến nhóm kỹ sư trường ĐH Thuỷ Lợi tập hợp nhau lại nhiều ngày đêm miệt mài với công trình sáng chế giải pháp chống ùn tắc. Phân tích nguyên nhân của “căn bệnh” ùn tắc giao thông này, ông Vũ Hoàng Hải, giảng viên khoa Công trình, trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội), thành viên của G4 nói: “Có 2 nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn: Cơ sở hạ tầng giao thông của Hà nội và TPHCM còn hạn chế, các tuyến đường giao thông quá nhỏ.Ý thức người tham gia giao thông kém nên dẫn tới việc đỗ sai làn đường, tranh nhau đi, thậm chí tràn lên cả vỉa hè... Tuy đã có sự vào cuộc ráo riết của lực lượng CSGT nhưng tình trạng tắc nghẽn vẫn diễn ra hàng ngày”. Barie tự động–hiệu quả lớn, chi phí nhỏ Để giải bài toán ùn tắc, nhóm G4 đưa ra phương án dùng barie cứng tại các ngã ba, ngã tư (bao gồm cả địa điểm có và không có hệ thống đèn giao thông), phân bổ việc đóng mở và thời gian đóng mở barie một cách khoa học nhằm tránh hiện tượng hướng này cắt ngang hướng khác. Bên cạnh đó, nhóm G4 triển khai việc tăng cường lan can cứng ngăn cách giữa 2 luồng đường để khống chế hiện tượng người đi xuôi lấn hết phần đường người đi ngược, hạn chế mở ngã rẽ tại các điểm trọng yếu. Trường hợp, nếu có ngã rẽ vẫn phải dùng barie cứng để khống chế các hướng đi khác nhau. Ưu điểm của giải pháp này lớn. Người tham gia giao thông phải xếp hàng (như học sinh cấp 1) để đi theo phần đường (bắt buộc) của mình, vì vậy không thể xảy ra việc người này tạt đầu người khác (nguyên nhân chính của tắc nghẽn giao thông).Chi phí làm barie trong khi thử nghiệm rất rẻ (có thể làm bằng gỗ). Nếu thành công, bước tiếp theo của phương án là thiết kế trụ xoay (tự động), chi phí này không cao so với thiệt hại mà tắc đường gây ra.Khống chế được những người tham gia giao thông ý thức kém (vì không thể vượt qua rải phân cách cứng và barie phân luồng) – mấu chốt của bài toán giao thông. Từ sự phân tích trên, cả nhóm G4 cho rằng, đề án làm theo phương châm “bắt” người tham gia giao thông phải tuân thủ đi theo đúng làn đường, hướng đi của mình (kể cả những người tham gia giao thông với ý thức kém nhất). Nhóm G4 thực thi ý tưởng dựa trên phương án được Viện KH công nghệ GTVT áp dụng khi đưa 10 -20 kỹ sư phân luồng giao thông ở các nút giao cầu Yên Hoà, cầu Cót, cầu 361. Giải pháp này đã chống ùn tắc khá thành công. Tuy nhiên, cách làm như vậy phải huy động nhiều sức người, sức của. Cũng theo ông Hậu: “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều người dân, phương án này đã thu hút đông đảo ý kiến đồng tình. Một số kỹ sư giao thông khác cũng khẳng định: nếu đề án này được thực thi sẽ giải quyết được 100% vấn đề ùn tắc trong các thành phố lớn mà không cần tính đến phương án thay đổi giờ làm việc và học tập, cũng như không cần đến các “barie người” xuống đường làm việc phân làn”.