Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiến kế vì miền Trung: Phòng nổi buộc cạnh ngôi nhà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những câu chuyện thương tâm về miền Trung trong đợt lũ chồng lũ vừa qua có lẽ không bao giờ kể hết. Nhưng chẳng lẽ không có cách gì giảm thiểu đau thương, mất mát?

KTĐT - Những câu chuyện thương tâm về miền Trung trong đợt lũ chồng lũ vừa qua có lẽ không bao giờ kể hết. Nhưng chẳng lẽ không có cách gì giảm thiểu đau thương, mất mát? Không lẽ năm sau, năm sau nữa, chúng ta vẫn mãi chỉ biết xót thương và ủng hộ đồng bào? Đã đến lúc cần nghĩ đến những điều xa hơn, những trăn trở “hậu bão lũ” thực sự, để “thương về miền Trung” không còn là một khúc nhạc buồn có "hẹn giờ".

Đó chính là lý do để bác Đỗ Linh Cường, cán bộ về hưu, hiện sống ở Tp. Hồ Chí Minh, gửi đến  ý tưởng của mình để giúp miền Trung sống chung với bão lũ.



Ý tưởng của bác Đỗ Linh Cường là về về một "căn phòng nổi" bên cạnh ngôi nhà hiện tại của đồng bào, để khi nước lên thì phòng lên, bảo đảm an toàn cho mọi người trong gia đình, tích trữ được lương thực và nhiều vật dụng khác, với chi phí thấp và nguyên liệu rất dễ kiếm tìm. 


Bác Cường chia sẻ:

 

"Từ lâu tôi có ý tưởng mỗi nhà ở vùng có thể xảy ra ngập lụt nên trang bị một phòng nổi cột ngay cạnh nhà mình. Phòng này đặt trên tối thiểu 4 thùng phuy nhựa 200 lít, như vậy có thể làm nổi trên mặt nước khoảng 650kg, gồm 5 người (300 kg) và trọng lượng phòng kết cấu nhẹ (150 kg) còn lại có thể chở 200 kg tài sản và thức ăn đồ uống trong khoảng 10 ngày.

Để tránh lật, hai đầu chéo của phòng có 2 vòng sắt, các vòng này được luồn vào 2 cột cắm chắc xuống nền đất. Như vậy nước lên đến đâu phòng nổi theo đến đó. Phòng nổi kiểu này chi phí đầu tư thấp, tiện dụng mọi nơi, mọi mực nước lũ lại bền cả chục năm.

 

Hiến kế vì miền Trung: Phòng nổi buộc cạnh ngôi nhà - Ảnh 1
Thiết kế phác họa căn phòng nổi chống lũ của bác Cường 
(Bấm vào ảnh để xem ảnh cỡ lớn)

Có thể làm 2 kiểu tùy theo địa hình và ý muốn của người sử dụng; giá thành thì chắc chỉ khoảng 2 triệu đồng thôi. Thùng phuy nhựa thì dùng thùng cũ (thùng đã đựng hóa chất, theo thông tin trên mạng, giá ở Hà Nội khoảng 150.000đ/cái, ở Tp. Hồ Chí Minh đắt hơn một chút) sắt khung hàn xong thì sơn tốt, loại epoxy 2 thành phần 70.000đ/kg, rất bền với môi trường nước”.

 

Là một cán bộ ngành hóa chất đã nghỉ hưu, không chuyên về xây dựng hay thủy lợi, nhưng bác Cường nảy ra ý tưởng này từ nỗi đau xót khi chứng kiến những thiệt hại quá lớn về người trong cơn lũ vừa qua, cũng như xót xa trước cảnh đồng bào màn trời chiếu lũ, không áo quần, không lương thực dự trữ. Nỗi trăn trở lớn nhất của bác là sự bị động của chúng ta trước bão lũ, và mong muốn tạo ra một “phao cứu sinh” dự phòng giá rẻ nhất và hiệu quả nhất dành cho đồng bào.

 

Trao đổi với PV, bác Cường cho biết ý tưởng của mình xuất phát từ kinh nghiệm đi thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời bày tỏ mong muốn với uy tín của mình, VTC News có thể tạo một diễn đàn để độc giả cùng đưa ra ý tưởng, thảo luận và hoàn thiện những sáng kiến thiết thực, như một cách “hướng về miền Trung” ý nghĩa và tích cực nhất.

Với tấm lòng chân thành và vô tư, bác Cường cũng ngỏ lời đề nghị đưa ý tưởng của mình đến với đông đảo độc giả, đồng bào, cũng như kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” quan tâm hỗ trợ thực hiện ý tưởng, dành tặng những “phòng nổi” tình nghĩa cho đồng bào vùng lũ lụt.