Đi lên bằng ý chí quật cường
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn. Ngay sau khi giành được độc lập, trong thư gửi các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm khát vọng về một Việt Nam có thể “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đoàn đại biểu đặc biệt miền Nam Việt Nam tại Hà Nội (12/6/1969). Ảnh tư liệu |
Lời cuối trong Di chúc, Bác cũng mong mỏi: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nếu tính từ dấu mốc năm 1975, sau khi hòa bình, thống nhất, con đường để thực hiện mong ước, khát vọng của Bác về một Việt Nam “giàu mạnh” đã được gìn giữ, nuôi dưỡng trở thành động lực thôi thúc chúng ta hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.
Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên khi chúng ta đã bước vào “sân chơi” lớn, là thành viên chính thức của APEC, ASEM và WTO… Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề quan tâm chung của quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như: Liên Hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Đồng thời, là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, thể thao lớn của khu vực và thế giới…
Góp phần củng cố niềm tin, tạo nên sức bật mới
Những thắng lợi mang tính chất thời đại đã đạt được chính là thước đo cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và trong xây dựng Đảng lại lấy cán bộ là then chốt.
Đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, cả trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải hội tụ đủ cả về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, uy tín chính trị trong quần chúng Nhân dân. Với đội ngũ cán bộ như vậy mới có khả năng đưa đất nước phát triển.
Rất mừng là công tác xử lý cán bộ vi phạm, siết chặt kỷ luật của Đảng đang được làm rất quyết tâm. Thực tế đã chứng minh, từ khi đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, siết chặt kỷ luật Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng tốt hơn và uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao.
45 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; uy tín, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Đây là thời điểm Việt Nam cần nhìn lại con đường đã đi, hướng về phía trước, nhận thức rõ hơn về những thách thức đặt ra và nêu cao khát vọng dân tộc vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Bác lúc sinh thời.
Với tinh thần đó, mới đây tại hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, Nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành T.Ư là phải làm việc này cho tốt. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, phải làm tốt công tác nhân sự từ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, "dưới có vững thì trên mới bền chắc được". Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước.
Cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài dẫn đến hại nước hại dân. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…
“Việt Nam nhất định sẽ giàu mạnh, hùng cường nhờ sức mạnh cộng hưởng từ việc Đảng tự chỉnh đốn, làm sạch; từ việc người dân được sống tự do, hạnh phúc, quyền dân chủ được phát huy” - đó là nhận định được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng với nhiều dấu ấn đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Không khí dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được phát huy; sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo thế và lực mới cho đất nước tiếp tục trên đà phát triển, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như ước nguyện của Bác.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới với chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 đến cuối năm 2019, giảm xuống còn dưới 4%. Đặc biệt, 2019 là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% và năm thứ tư liên tiếp đạt xuất siêu, trong đó năm 2019 xuất siêu gần 10 tỷ USD. Các TP phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống; nông thôn khởi sắc cùng chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã mang lại những thay đổi rõ nét cho đất nước, lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người dân trên mọi miền Tổ quốc. |