Thành phố thông minh đến nay đã trở thành một xu hướng phát triển và mô hình cho đô thị tương lai. Chính quyền các đô thị trên thế giới nhìn nhận trong đó những giải pháp hoặc ý tưởng giải pháp có thể giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết và đặc thù của đô thị hiện tại cũng như trong tương lai trên thế giới. Cùng với sự phát triển của thành phố thông minh, công nghệ cho thành phố thông minh và nền công nghiệp phục vụ thành phố thông minh cũng rất phát triển.
3 loại đô thị thông minhTrên thế giới, "mức độ thông minh" của thành phố được đánh giá rất khác nhau. Ở đó cũng thể hiện sự khác biệt quan điểm giữa các đô thị trên thế giới về trình độ phát triển và ưu tiên phát triển của thành phố thông minh. Dù vậy, về định nghĩa khái niệm, mục đích và mô hình tổ chức cũng như xác định ra những công nghệ mấu chốt nhất đối với thành phố thông minh lại không khác nhau cơ bản.
Đô thị phải được “thông minh hóa” để phát triển và phải phát triển để được công nhận và cảm nhận là đô thị thông minh vì cuộc sống của con người. |
Về phương diện phạm vi, cho tới nay, phân biệt 3 loại đô thị thông minh là: Đô thị thông minh được xây dựng mới hoàn toàn, đô thị thông minh được cải tạo và phát triển từ đô thị đang tồn tại và "đô thị thông minh" trong đô thị đang tồn tại. Loại thứ hai thì hiện chưa thấy có trên thế giới mà phổ biến hơn cả là loại thứ nhất và loại thứ ba. Những đô thị thông minh hoàn toàn mới trên thế giới hiện đang hình thành chủ yếu ở các nước thuộc khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Ở các nơi khác trên thế giới, cách thức xây dựng đô thị thông minh là "thông minh hóa dần đô thị" kết hợp với xây dựng đô thị thông minh với quy mô nhỏ làm đô thị vệ tinh cho đô thị lớn. Chắc chắn phải mất không ít thời gian nữa mới có những đô thị thuộc loại mô hình thứ 2 nói trên.
Về phương diện công nghệ cho thành phố thông minh, về cơ bản đã định hình 6 công nghệ then chốt và trong năm 2019 sẽ tiếp tục được coi trọng để phát triển mạnh mẽ là công nghệ về "năng lượng thông minh", về "cơ sở hạ tầng thông minh", về "dữ liệu thông minh", về "giao thông vận tải thông minh", về "di động thông minh" và về "thiết bị cho internet của vạn vật".
Trình độ phát triển và mức độ ứng dụng của những công nghệ này chỉ phần nào phản ánh mức độ cũng như tiềm năng phát triển của thành phố thông minh ở các nơi trên thế giới. Lý do ở chỗ các đô thị theo đuổi mục tiêu phát triển trở thành đô thị thông minh có điểm xuất phát khác nhau và nhằm tới những ưu tiên khác nhau. Điều có thể chắc chắn được là khi suy xét và đưa ra bất kỳ quyết sách nào liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị cho thời gian tương lai, chính quyền các đô thị trên thế giới đều để ý đến việc đồng thời tạo dựng nền tảng và tiền đề cần thiết cho việc "thông minh hóa đô thị".
Chất lượng phát triển mới cho đô thịCho năm 2019, các nhà nghiên cứu về quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị trên thế giới đều nghiên về 5 chiều hướng phát triển sau đây của đô thị thông minh.
Thứ nhất, năm 2019 được coi là năm có ý nghĩa bản lề bởi việc xây dựng đô thị thông minh trên thực tế sẽ chuyển sang thời kỳ được áp dụng trên diện rộng và một cách phổ biến. Xem ra, công việc nghiên cứu, thí điểm và thử nghiệm đã tiến triển đến mức và kinh nghiệm thực tế cũng đã đủ đến mức để có được sự tin tưởng chắc chắn vào tương lai thành công của thành phố thông minh.
Thứ hai, năm 2019 sẽ là năm có bước dịch chuyển quan trọng đối với thành phố thông minh từ chỗ hiện diện và tác dụng chủ yếu ở nhận thức của các nhà quản lý đô thị sang ở cảm nhận trên thực tế của người dân. Điều này bao hàm 2 ý là thành phố thông minh được người dân cảm nhận trực tiếp và thiết thực hơn cũng như gắn kết chính quyền thành phố với người dân hơn trong cuộc sống hàng ngày. Khi người dân hiểu biết đầy đủ hơn về thành phố thông minh, trực tiếp cảm nhận thấy giá trị thiết thực của thành phố thông minh thì sẽ tham gia tích cực, trực tiếp và cũng thiết thực hơn vào việc xây dựng thành phố thông minh.
Thứ ba, công nghệ truyền thông 5G sẽ phát triển mạnh mẽ và được phổ cập hóa. Việc này là cần thiết để xử lý khối lượng thông tin khổng lồ. Dự báo này nhắc nhở các nhà quản lý cũng như quy hoạch và phát triển đô thị về tầm nhìn xa để đưa ra những quyết sách đúng đắn cho cả hiện tại lẫn tương lai lâu dài.
Thứ tư, vận tải không người lái sẽ phát triển mạnh mẽ và dần chi phối diện mạo đô thị. Xu thế này được coi là tất yếu nhưng đồng thời thuộc diện những thách thức lớn nhất đối với các đô thị muốn trở thành đô thị thông minh. Nó đòi hỏi và buộc không chỉ đô thị phải thay đổi mà con người trong đô thị cũng phải thích ứng.
Thứ năm, mức độ kết nối và tương tác giữa con người trong đô thị, còn được gọi là "người sử dụng đô thị thông minh" sẽ gia tăng đến mức sự hình thành cái gọi là "Văn hóa đô thị thông minh" đã trở nên cần thiết và không thể thiếu. Văn hóa đặc biệt này rồi sẽ trở thành một trong những tiêu chí quyết định thành công của đô thị thông minh.
Đô thị thông minh đem lại chất lượng phát triển mới cho đô thị và chất lượng cuộc sống mới cho con người trong đô thị. Vì quá trình hiện đại hóa liên tục tiếp diễn trên thế giới và trong cuộc sống của con người nên việc xây dựng đô thị thông minh là quá trình không có điểm cuối, tức là cũng phải liên tục thích ứng và hiện đại hóa.