Để chủ động phòng chống ngập úng, lũ, đảm bảo an toàn cho đê điều, lúa, hoa màu và tài sản, tính mạng của Nhân dân, cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) đã triển khai các phương án chủ động ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn.
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức tuần tra canh gác nghiêm túc trên đê 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ số lượng vật tư, nhân lực theo đúng quy định; sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố.
Tiến hành chỉnh trang các tuyến đường phục vụ công tác phòng chống lụt bão để đảm bảo việc kiểm tra, cứu hộ đê được thuận lợi; tháo dỡ công trình vi phạm, phát quang cây cối, rào chắn chân đê… Chủ động các phương án kỹ thuật hộ đê ở các khu vực trọng điểm và thực hiện các biện pháp di dời dân ở vị trí không an toàn đến nơi an toàn.
Triển khai vận hành các hệ thống bơm tiêu để tiêu úng đảm bảo lúa, hoa màu và tài sản cho Nhân dân kịp thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của Nhân dân.
Lãnh đạo huyện đã thường xuyên đi kiểm tra tại các địa phương ven sông Cầu để nắm tình hình và có các chỉ đạo kịp thời. Các xã cũng đã triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "bốn tại chỗ", sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm xung yếu sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống và tại khu vực nước ngập. Đối với các hiện tượng mạch đùn, mạch sủi đều được các địa phương theo dõi sát và có phương án xử lý ngay.
Trong tối 9/9, xảy ra hiện tượng mạch đùn, mạch sủi tại tiểu đê bối thuộc thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã và các lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý để bảo đảm an toàn hệ thống chân đê.
Đối với các hộ dân sống ngoài đê của 14 xã ven sông Cầu, khi nước sông Cầu dâng cao mức báo động 2 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 500 hộ dân với gần 2.400 dân của 14 xã. Đến nay, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời 38 hộ dân với 124 người, đồng thời hỗ trợ di chuyển tài sản, vật nuôi giúp các hộ dân vùng nguy cơ và vùng bị ngập lụt đến vị trí an toàn.
Dự báo khi mực nước sông Cầu lên mức báo động 3, toàn huyện sẽ có hơn 900 hộ dân với hơn 4.100 người bị ảnh hưởng, trong đó sẽ có hơn 800 hộ với hơn 3.800 người trong diện phải di dời. Huyện cũng đã có phương án cụ thể đối với tình huống này.
Hiện nay, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, dự kiến nước sông Cầu tiếp tục dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về, gây ngập cục bộ. Tuy nhiên các tình huống vẫn hoàn toàn nằm trong dự báo, tầm kiểm soát của huyện và các địa phương. Cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng các lực lượng chức năng đang tập trung cao cho công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và tính mạng của Nhân dân.
Việc phòng, chống lũ đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Chính quyền địa phương đề nghị toàn thể Nhân dân không hoang mang, lo lắng, không đưa những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật về công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh cũng như ở huyện Hiệp Hòa. Mỗi người dân hãy có những hành động thiết thực góp phần chung tay cùng chính quyền khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.