Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu đúng về cách ly

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về bệnh nhân số 17 của Việt Nam là tiếng chuông cảnh tỉnh với những ai còn chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh.

Dù đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về Việt Nam nhưng không tự giác khai báo, cách ly, khi bệnh nhân này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khiến Hà Nội và cả nước hoang mang, lo lắng.
Thời gian qua, nhiều người từ vùng dịch nước ngoài về đã tìm mọi cách để né việc phải cách ly bị dư luận chỉ trích, phê phán. Đơn cử như cô gái Bình Dương chia sẻ bí quyết để lọt qua cửa hải quan dù bay về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc). Một số trường hợp khác cũng trốn cách ly khiến ngành chức năng phải cất công tìm kiếm.
Nhiều người hiểu chưa đúng về cách ly nên lo lắng, hoang mang khi mình nằm trong diện phải cách ly. Họ cho rằng, cách ly là biệt lập, không được tiếp xúc với bất cứ ai, thiếu thốn đủ bề, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế, việc tổ chức các khu vực cách ly đều bảo đảm điều kiện sinh hoạt, phòng bệnh tốt nhất. Mỗi người đều được phát khẩu trang y tế, khu vực sinh hoạt thường xuyên phun khử trùng, tiêu độc và nhiều biện pháp y tế khác.
Ngoài ra, những người cách ly đều được bảo đảm theo khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng. Khu sinh hoạt văn hóa có ti vi, phòng tắm được trang bị bình nóng lạnh, vệ sinh khép kín... Đây được đánh giá là một chính sách hết sức nhân văn của Chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia y tế đều nhìn nhận, một điều cực kỳ quan trọng góp phần làm nên thành công trong chống dịch chính là sự tham gia đầy đủ ý thức của người dân. Kinh nghiệm quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 được những chuyên gia hàng đầu đưa ra sau khi phong tỏa xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chính là “phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly”. Việc tổ chức cách ly chống dịch tại xã Sơn Lôi không chỉ là việc chống dịch riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc mà còn giúp bệnh không lây lan sang các địa phương khác.
Hiện, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chống dịch mới, khi từ ngày 6/3 đến nay, cả nước đã ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới sau gần một tháng không có ca mắc. Nhìn vào thực tế, từ đầu vụ dịch đến nay, vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Một số người có hành động chủ quan, vô ý thức, trốn tránh cách ly, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Xét dưới góc độ đạo đức, đây là hành vi coi thường tính mạng của người thân và cộng đồng. Về mặt pháp luật, những hành động này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Hiện nay, khi chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng bệnh, việc nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng được xem là một trong những liều thuốc chống dịch hiệu quả.
Như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Cách ly là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, phương châm chống dịch của Chính phủ là “khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan”.
Để làm tốt điều đó, cách ly chính là “phòng tuyến đầu tiên” hiệu quả, “xung trận chống giặc” tiên phong, đi đầu trong phòng, chống dịch hiện nay.