Giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn
Là xã nằm xa trung tâm huyện, những năm trước, muốn nhận một văn bản chỉ đạo của TP, huyện gửi về, cán bộ xã Minh Trí phải mất ít nhất một đến hai ngày. Theo ông Tạ Văn Viễn – Chủ tịch UBND xã Minh Trí, nguyên nhân là bởi các đầu mối, đơn vị cơ sở phải chờ văn bản theo đường… bưu điện nên phần nào ảnh hưởng tới tiến độ công việc.
Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của “một thời đã qua”. Bà Đỗ Thu Nga – Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu năm 2013, khi phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc được đưa vào ứng dụng, cán bộ văn phòng đã không còn phải “chạy đôn chạy đáo” xin chữ ký, ý kiến lãnh đạo ủy ban, chuyển tới bưu điện... Toàn bộ văn bản được “điện tử hóa”, scan và chỉ cần một cái “click” chuột, toàn bộ 52 đầu mối (26 xã, thị trấn và các phòng, ban trực thuộc UBND huyện) đều có thể nhanh chóng cập nhật được hệ thống văn bản chỉ đạo này.
Bên cạnh đó, “phần mềm một cửa” được xây dựng từ năm 2009 đã và đang hỗ trợ tích cực trong việc giải
quyết các thủ tục hành chính. Ông Nghiêm Xuân Nhỡ (xã Bắc Phú) cho biết, khi cần làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, ông vào Cổng thông tin điện tử của UBND huyện, tải về các hồ sơ, văn bản cần thiết, điền đầy đủ thông tin rồi gửi ngược lại qua hệ thống. Hôm sau chỉ việc tới nhận lại, rất đơn giản mà không mất quá nhiều thời gian.
Từng bước đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng
Việc ứng dụng CNTT đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ông Trần Kiên – Chuyên viên phụ trách hệ thống CNTT huyện Sóc Sơn cho biết, vấn đề vướng mắc là hiện nay, tại một số đơn vị, hệ thống máy móc đã xuống cấp, đường truyền internet chưa thật thông suốt ảnh hưởng tới hiệu năng công việc. “Mặt khác, nhiều người dân vẫn còn tâm lý “muốn đến trực tiếp cho an tâm”. Thêm nữa, nhiều công dân tuổi cao, khả năng tiếp cận và sử dụng máy tính hạn chế khiến “phần mềm một cửa” chưa thực sự phát huy hết công năng…” - ông Trần Kiên cho biết thêm.
Để giải quyết những khúc mắc này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, hàng năm, huyện đều tổng hợp, rà soát cơ sở hạ tầng và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT cho năm tiếp theo, từ đó có hướng đầu tư phù hợp. Ví dụ, từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho 16 đơn vị. Mới đây, huyện được Sở TT - TT hỗ trợ 600 triệu đồng để nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin cho 16 xã, trong đó, có 7 xã được đầu tư đồng bộ theo quy chuẩn của TP.
Mỗi năm huyện tổ chức 6 lớp, phối hợp với Sở TT – TT tổ chức hai lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Để tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận với việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính, huyện xây dựng chương trình phát sóng định kỳ hai lần/tuần thông qua hệ thống phát thanh của huyện. Với những việc làm cụ thể trên, huyện kỳ vọng sớm đưa CNTT trở thành công cụ hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính; quan trọng hơn là mang tới sự thuận tiện cho người dân.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa huyện Sóc Sơn.
|
Kết quả xếp hạng về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước cho thấy, ba năm liền, Sóc Sơn đứng ở vị trí cao khối huyện, lần lượt là vị trí thứ 2 (năm 2012), thứ 4 (năm 2013) và thứ 3 (năm 2014). |