Kinhtedothi - Công tác quản lý Nhà nước về giá hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2012. Với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), công tác quản lý giá hiện nay rất nhạy cảm và phức tạp, vừa phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD), của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, vừa phải bảo đảm các nguyên tắc quốc tế trong quá trình hội nhập sâu, rộng.
Ghi nhận những hiệu quả
Công tác quản lý giá hiện nay được thực hiện trên nguyên tắc, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân SXKD theo quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước SXKD, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân được Nhà nước quản lý giá qua công tác đăng ký giá, kê khai giá.
Đầu năm 2014, trước xu hướng tăng của giá sữa, đặc biệt là những sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội đã xác định và công bố giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa đối với 164 sản phẩm sữa của 17 công ty sản xuất, nhập khẩu sữa có trụ sở chính trên địa bàn TP (ngoài các công ty phải xác định giá tối đa với Bộ Tài chính). Mức giá bán buôn tối đa của các sản phẩm sữa phổ biến đã giảm từ 14% - 18% mức giá bán buôn tại thời điểm công bố việc bình ổn giá sữa. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã vào cuộc để tiếp nhận hồ sơ đăng ký, kê khai giá sữa theo quy định. Các biện pháp quyết liệt của TP đã góp phần quan trọng cùng cả nước bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Với việc giá xăng dầu trong nước liên tục giảm trong thời gian qua, Sở Tài chính Hà Nội cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải thực hiện kê khai giảm giá cước cho phù hợp. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 100 DN kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước với mức giảm phổ biến từ 5 - 15%, có DN đã kê khai giảm giá 3 lần như như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Linh Trang (Taxi Long Biên), Công ty CP Vân Sơn, Công ty CP Thanh Nga, Công ty CP Đức Thắng...
Sở Tài chính cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá của các DN, đồng thời kiểm soát các yếu tố hình thành giá. Trong đó, đã kiểm tra đối với 8 DN kinh doanh vận tải bằng ô tô, đã xử phạt vi phạm hành chính 2 DN với tổng số tiền 60 triệu đồng. Tất cả các DN có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với số liệu các khoản chi phí trong hồ sơ kê khai đều bị đoàn kiểm tra yêu cầu phải rà soát lại, lập và kê khai lại giá cước cho phù hợp.
Bình ổn giá đi cùng với bình ổn thị trường
Ngoài những mặt hàng trên, năm 2014, Sở Tài chính còn thực hiện tiếp nhận rà soát hồ sơ kê khai giá của một số hàng hóa như gạo tẻ thường, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), phân đạm Ure, thuốc bảo vệ thực vật…; Thẩm định giá đất để tính bồi thường hỗ trợ GPMB, thẩm định giá khởi điểm làm cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất; Thẩm định phương án điều chỉnh giá nước sạch, giá vé xe buýt có trợ giá, giá sản phẩm, dịch vụ công ích… Đối với các hàng hóa, dịch vụ được trợ giá từ ngân sách, mức giá điều chỉnh giá từng bước bù đắp chi phí, hạn chế tối đa việc trợ giá và cơ bản không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Năm 2014, nhìn chung tình hình giá cả thị trường trên địa bàn TP đã được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tháng 1/2015 giảm 0,17% so với tháng 12/2014, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát trên cả nước.
Xác định công tác quản lý, điều hành giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của ngành tài chính, góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô; Sở Tài chính tiếp tục tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, lũng đoạn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước về giá, phí để bình ổn giá cả thị trường năm 2015, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tới đây.
Người tiêu dùng mua xăng tại một cửa hàng trên phố Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
|