Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ mô hình làm ăn mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm gần đây, tốc độ phát triển mô hình làm ăn kiểu mới ở huyện Phú Xuyên diễn ra khá nhanh, đặc biệt là phát triển kinh tế trang trại.

KTĐT - Những năm gần đây, tốc độ phát triển mô hình làm ăn kiểu mới ở huyện Phú Xuyên diễn ra khá nhanh, đặc biệt là phát triển kinh tế trang trại.

Năm 2000, huyện mới có 14 trang trại với tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là 110 hécta, đến nay huyện đã có 245 trang trại với diện tích 600ha. Các trang trại, vườn trại xây dựng theo mô hình làm kinh tế VAC cũng đạt thu nhập bình quân tương đương với trang trại chuyên canh quy mô lớn.


Từ bưởi Diễn


Trang trại nhà anh Nguyễn Văn Khéo, xã Hồng Minh trồng bưởi Diễn và bán cây giống hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Được biết anh Khéo là một trong những chủ trang trại nắm rất vững kỹ thuật trồng bưởi Diễn, nhiều người ở các huyện khác đã đến mua giống và học kỹ thuật trồng của anh. Chị Phạm Thị Nức ở thôn An Định, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín cũng đã đến đây mua giống bưởi của anh Khéo và nhờ anh tư vấn cách trồng bưởi Diễn làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Chị Nức cho biết, nhờ được anh tư vấn nên vườn bưởi Diễn nhà chị năm nào cũng được mùa, kể cả năm 2009, khi thời tiết không thuận lợi.


Với kinh nghiệm thực tế kết hợp với trang bị những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhiều hộ gia đình ở xã Hồng Minh đã trồng được những cây bưởi hàng trăm quả, chất lượng ngon. Gia đình anh Khéo có 2 mẫu trồng bưởi Diễn bán giống cũng thu gần 50 triệu đồng/năm.Anh Khéo cho biết: Do hạn chế bón phân đạm, chủ yếu bón cân đối các loại phân tổng hợp gồm lân - kali - vôi, cộng với việc điều tiết nước trong thời kỳ quả chín nên quả đạt chất lượng thơm, ngon. Theo anh Khéo, nếu trồng bưởi Diễn thì bà con nên chọn nơi đất cao, tơi xốp, thoát nước tốt, không bị ngập úng, có mực nước ngầm thấp cây sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, người trồng bưởi cũng cần áp dụng các biện pháp khoanh vỏ vào thời điểm thích hợp để kích thích cho cây ra hoa, đậu quả và tiến hành đồng thời với khâu chăm sóc để tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây. Không bón nhiều phân đạm, tránh tình trạng đất bị chua sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả.


Đến nhiều mô hình đặc trưng


Tháng 5/2009, xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên) đưa vào thử nghiệm mô hình nuôi cá rô đồng. Sau 4 tháng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, nuôi cá rô đồng đơn giản mà hiệu quả kinh tế cao. Giá trị đạt được có thể lên tới 150 triệu đồng/ha. Với chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, Ban Thường vụ xã phối hợp với Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Phú Thắng đã tổ chức cho bà con nông dân đi thăm một số mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao để học hỏi, ứng dụng vào địa phương. Ban Quản trị HTX đã mời 40 hộ nông dân đến họp để tập huấn, tuyên truyền. Những hộ nuôi đầu tiên được hỗ trợ mỗi hộ 10kg giun quế về gây giống để sau này làm thức ăn cho cá và tiền chuyên chở giống cho bà con.


Theo ông Lương Quốc Cửu, Phó chủ nhiệm HTX Phú Thắng, xã Đại Thắng thì đây là vùng đất trũng, nhiều đất sét nên chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Từ diện tích ao hồ là 25 mẫu, xã đã chuyển đổi sang diện tích nuôi trồng thủy sản 130 mẫu. Hiện tại, đã có 18 hộ tham gia nuôi cá rô đồng với tổng diện tích là 13 mẫu. Chính vì thế, mong muốn của những hộ nông dân là được ưu đãi vay vốn để mở rộng sản xuất. 


Ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cũng cho biết: Để mở rộng sản xuất đạt kết quả, các chủ trang trại huyện Phú Xuyên đã tập trung, huy động mọi nguồn vốn đầu tư thâm canh, xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua sắm phương tiện, vật tư chăn nuôi gia súc...


Cũng theo ông Mỹ, năm 2010, huyện tiếp tục mở rộng mô hình bưởi Diễn, lúa chất lượng cao, dưa chuột bao tử; nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1.500ha; tổng đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 1 triệu con, đàn lợn 77.500 con; triển khai dự án giết mổ gia súc tại xã Tri Thủy và Quang Lãng.