Một ý tưởng vì cộng đồng Hiện nay, người dân xã Đa Tốn đã chuyển đổi 120ha từ cấy lúa, trồng màu sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Trong đó có 75 ha ổi găng, ổi Đài Loan, diện tích còn lại là cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, đu đủ... Nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất, từ năm 2014, được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND xã, Đoàn thanh niên xã Đa Tốn đã triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch - công nghệ cao”. Đây là hoạt động nhằm góp phần khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá” hoặc đầu ra sản phẩm không ổn định ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Theo đó, xã Đa Tốn đã vận động người dân trong xã dồn được 6 mẫu đất nông nghiệp tại các thôn Ngọc Động, Thuận Tốn và Khoan Tế cho Đoàn thanh niên thuê để sản xuất nông sản sạch theo quy trình VietGap. Ngay khi có đất, Đoàn thanh niên đã phối hợp với khoa Thực vật Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sản xuất các loại cây giống như ổi găng, ổi Đài Loan, đu đủ chất lượng cao. Với mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm quả an toàn của địa phương vào năm 2016, hàng năm, Đoàn xã Đa Tốn duy trì hoạt động tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các đoàn viên thanh niên thực hiện mô hình. Đồng thời, phối hợp với HTX và các đoàn thể tổ chức tập huấn và mở lớp dạy nghề ngắn hạn về sản xuất rau, củ, quả theo quy trình ViệtGap cho toàn bộ nông dân trên địa bàn xã. Năm 2015, Đoàn xã Đa Tốn thành lập Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn (Công ty). Tiếp đó, tiến hành ký hợp đồng với nông dân từ việc cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón đến việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả sạch. Đồng thời, ký kết việc cung ứng nông sản cho các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh nhằm tạo chuỗi liên kết giữa người sản xuất, đơn vị cung ứng và nơi tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cần nhân rộng Theo đó, mỗi ngày Công ty tổ chức thu gom từ 3 đến 4 tấn quả sạch các loại, trong đó có khoảng 1 tấn ổi, phân phối tới 30 điểm bán tại các siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Hoạt động này góp phần giải quyết việc làm cho 20 lao động thanh niên với mức thu nhập từ 5,3 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Một điều đáng ghi nhận từ mô hình này của Đoàn xã Đa Tốn là sự linh hoạt trong điều hành của Ban Giám đốc đối với 4 tổ, nhóm thanh niên đảm bảo tính nhịp nhàng giữa sản xuất, thu gom, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm để không có sản phẩm tồn kho. Với phương châm luôn lấy chữ tín làm trọng nên mặc dù mới đi vào hoạt động chưa được 2 năm, song sản phẩm do Công ty cung ứng trên thị trường đã có uy tín và sức cạnh tranh lớn. Hiện, Công ty đã có 3 kho chứa hàng lớn tại Đa Tốn và các quận Hai Bà Trưng, Hà Đông. Các kho này vừa thực hiện việc bán buôn, bán lẻ tại kho vừa làm nhiệm vụ phân phối hàng tới các siêu thị và bán hàng trực tuyến qua mạng internett, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Anh Nguyễn Anh Quân - người phụ trách mô hình Sản xuất và tiêu thụ Nông sản sạch- công nghệ cao của Đoàn xã Đa Tốn – cho biết, sau khi tổ chức sản xuất thử nghiệm thành công trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ tưới nhỏ giọt của ISRAEL trên diện tích 8.000m2 tại tỉnh Thanh hóa, năm 2016, Công ty đã và đang triển khai việc trồng dưa theo công nghệ trên tại địa bàn xã. “Chúng tôi muốn người dân "mắt thấy, tai nghe” hiệu quả kinh tế thiết thực từ các mô hình này, từ đó tích cực làm theo góp phần làm cho nền nông nghiệp trên địa bàn phát triển ổn định và bền vững” - anh Quân chia sẻ. Qua thực tế hoạt động, mô hình: “Sản xuất và tiêu thụ Nông sản sạch- công nghệ cao” của Đoàn xã Đa Tốn vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội sâu sắc rất cần được nhân rộng trên địa bàn TP trong thời gian tới.