Kinhtedothi - Sáng 10/7, mở đầu nội dung chất vấn kỳ họp thứ 10, HĐND TP tiến hành chất vấn nhóm vấn đề về khoa học công nghệ và môi trường. Dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Về nhóm vấn đề khoa học công nghệ và môi trường, các đại biểu đề nghị UBND TP báo cáo hiệu quả của đầu tư kinh phí vào lĩnh vực KHCN từ đầu nhiệm kỳ đến nay; nguyên nhân và trách nhiệm của việc sản phẩm tàu nạo vét bùn thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” đã bàn giao 4 năm song vẫn chưa đưa vào vận hành, sử dụng chính thức; tình hình thực hiện xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp; hiệu quả của các công trình xử lý chất thải tại các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do Sở Công thương làm chủ đầu tư bằng ngân sách thành phố; việc khắc phục tình trạng chủ đầu tư không xây dựng khu xử lý nước thải và việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật tại các dự án nhà ở chung cư cao tầng, khu đô thị.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Rao, kinh phí đầu tư vào lĩnh vực KHCN từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hơn 23.000 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án được đưa vào sử dụng; hỗ trợ hơn 570 xã, phường được cấp chứng nhận ISO; hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tập thể và chỉ dẫn địa lý cho 24 sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền thống và các sản phẩm cây, con đặc sản trên địa bàn; tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều văn bản cơ chế, chính sách mang lại hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực KHCN của Hà Nội...
Nói về hoạt động của ngành trong thời gian qua. Về vấn đề tàu hút bùn, ông Rao giãi bày, với hoạt động nghiên cứu KHCN có nhiều rủi ro. Mặc dù sản phẩm này đã thành công rồi, được đánh giá tốt, đã cấp giấy phép hoạt động và đã nghiên cứu bổ sung quy trình vận hành, đào tạo 2 tháng chạy thử trên sông. Tức là có đủ điều kiện để đưa vào nạo vét bùn.
Song, tàu hút bùn chưa thể đi vào hoạt động vì chưa có định mức hận hành làm cơ sở thanh toán với TP. “Nếu như thiết bị này ở các công ty tư nhân là đưa vào hoạt động rồi chứ không phải vướng mắc, chờ đợi như bây giờ. Cái chính hiện nay là chưa có định mức để thanh toán. Việc chậm trễ này có trách nhiệm của các bên cùng phối hợp, trong đó có Sở KHCN”, ông Rao cho biết.
Hiện thành phố đang thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có, đưa quỹ phát triển KHCN của thành phố vào hoạt động, tạo điều kiện cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu; có chính sách sử dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu, khắc phục tình trạng phải chờ định mức, đơn giá mới đưa vào sử dụng, gây lãng phí đầu tư. Đồng thời, đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò tư vấn, phản biện của 12 Ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp Thành phố, đẩy mạnh hình thành các viện, trung tâm nghiên cứu trong các doanh nghiệp lớn; đẩy mạnh việc tiếp thị đặt hàng các công trình nghiên cứu từ phía doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu; mở rộng quan hệ quốc tế…
ĐB Phạm Thị Thanh Mai.
Đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thanh Mai đặt câu hỏi, KHCN luôn được xác định là then chốt, nhưng tôi thấy chưa hài lòng với KHCN Thủ đô, HĐND đã giám sát 2012, tái giám sát 2013, tàu hút bùn vẫn đang thực hiện, đang xây dựng quy chế… vậy đến báo giờ tàu hút bùn được đưa vào hoạt động và hoạt động hiệu quả, nếu cứ như này làm nản lòng nhà khoa học có đề tài này? Nếu xét thấy không hiệu quả thì Sở KHCN có đề tạm dừng...
Về tàu hút bùn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Rao cho biết, cách đây hơn 1 tháng Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã họp với các đơn vị liên quan và đưa ra giải pháp phải đưa tàu hút bùn vào sử dụng ngay, chạy thử và thấy hoạt động tốt. Hiện đang trong thời gian chạy thử để xây dựng định mức. Định giá, Hà Nội là đơn vị đầu tiên đưa ra vấn đề này…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Rao.
Trước câu hỏi của các ĐB Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Hoạt, Trần Thị Vân Hoa, Nguyễn Tùng Lâm, Nguyễn Tuấn Thịnh... Giám đốc Sở KHCN nói, hoạt động trong lĩnh vực KHCN là trong những lĩnh vực có rủi ro cao. Vì vậy, định lượng bao nhiêu tiền từ đầu kỳ đến nay thực sự khó với Sở KHCN. Hoạt động của KHCN rất nhiều mảng, ví dụ về vấn đề sở hữu trí tuệ cũng nằm trong phần này...
Liên quan đến việc Sở KHCN có kế hoạch gì để nâng tầm hoạt động đạt tầm khu vực và thế giới, ông Rao cho biết, đây là vấn đề rất lớn, lựa chọn sắp tới của Sở là chương trình KHCN đang thực hiện, phải có công nghệ cao...
Kết luận phần trả lời chất vấn nội dung KHCN, Chủ tịch HĐND TP khẳng định, câu hỏi của các đại biểu tập trung vào 2 vấn đề: Hiệu quả của các đề tài KHCN và việc đưa các đề tài KHCN vào cuộc sống, đây là thiết thực, là đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô, đại biểu HĐND đại diện cho cử tri Thủ đô đặt câu hỏi với các vấn đề trên.
“Hà Nội có đủ căn cứ pháp lý, đường lối chủ trương về mặt tinh thần và vật chất để trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về KHCN. Nhưng thời gian qua, KHCN chưa làm được, chưa đáp ứng được mong đợi, chưa tương xứng với vị trí Thủ đô. Đề nghị, trên cơ sở căn cứ pháp lý Sở KHCN làm tốt vai trò tham mưu để thực hiện các giải pháp được nêu trong nghị quyết của TƯ và thành phố” - Chủ tịch HĐND nói.
Đối với những việc cụ thể, Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở KHCN cần làm tốt hơn vai trò tham mưu để có nhiều đơn đặt hàng hàng về KHCN và có chính sách khuyến khích đặt hàng; sớm thành lập quỹ KHCN và có quy chế hoạt động để quỹ hoạt động hiệu quả; công khai kết quả nghiên cứu KHCN; ngoài việc bố trí đủ ngân sách, bố trí ngân sách đề tài không chỉ tuân thủ luật khoa học mà phải tuân thủ các luật liên quan khác; về vấn đề tàu hút bùn đã hoạt động thì cần sớm có đánh giá khái quát hiệu quả hoạt động về tàu hút bùn.