Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Fredrich Naumann Foundation Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018.

 Các diễn giả chia sẻ về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018. 

Báo cáo năm nay do PGS. TS Nguyễn Đức Thành và GS. TS. Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. 
Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2017, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I/2018. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ dự kiến xuất bản vào tháng 9/2018. Báo cáo tiếng Anh dự kiến được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế vào cuối tháng 12/2018.

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thông tin, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Trong đó, với tựa đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, đưa ra quan điểm hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam. Bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, cùng với những cải cách thể chế của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu, trong đó có vấn đề năng suất lao động, nợ công và thâm hụt ngân sách và việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài, vẫn sẽ là lực cản với nền kinh tế khi chưa có biện pháp triệt để.

“Kết quả cho thấy năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia”, vị này cho biết. Đặc biệt, các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm chế biến chế tạo, xây dựng và logistics cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa. Ngoài ra, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu. Vì thế, thị trường lao động linh hoạt có ý nghĩa quan trọng, nhưng điều này lại chưa được chú ý.

Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Đồng thời, cấu trúc thị trường chưa được hoàn thiện cũng dẫn tới việc chi phí tuyển dụng còn cao, tạo áp lực kinh tế lên thực tập sinh, dẫn tới hiệu quả cải thiện năng suất của lao động Việt Nam tại nước ngoài còn thấp.