Nhiều đại biểu cũng đề nghị tăng cường thời lượng chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa BLHĐ ở trong nhà trường.
Thầy cô không phải “thợ dạy”
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định về việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tuy nhiên, BLHĐ đang có xu hướng lan rộng, vì thế Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm không xem nhẹ bất cứ khâu nào trong nguyên lý nhà trường - gia đình - xã hội.
Vai trò của nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm, phụ trách Đoàn, Hội, Đội cần phải được nâng cao chứ không phải chỉ có trách nhiệm của Hiệu trưởng. Thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, chứ không phải “thợ dạy”.
Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính không đặt nặng về phạt, răn đe. Cho rằng, BLHĐ là chuyện thường ngày của nhà trường, sống cùng nhà trường nên TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) cho rằng không thể nói chấm dứt BLHĐ được.
Với kinh nghiệm 20 năm làm Hiệu trưởng, xử lý nhiều chuyện giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, phụ huynh với giáo viên, thầy Hòa đã rút ra được những kinh nghiệm để quản lý.
Các thầy cô trong trường Nguyễn Bỉnh Khiêm biết xử lý từ chuyện lớn thành chuyện nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Một giải pháp như “cá gặp nước” đó là giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống được đưa vào trong nhà trường và thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận. Học sinh được học giá trị sống 1 tiết/1 ngày, các em sống thân thiện, yêu thương và cảm thấy hạnh phúc…
Đặc biệt, nhà trường coi công tác giáo viên chủ nhiệm là nhiệm vụ trọng tâm, giống như Hiệu trưởng nhỏ trong lớp học. Vì thế, hàng năm trường tổ chức hội nghị công tác giáo viên chủ nhiệm để tuyên dương, bồi dưỡng và họ chia sẻ hàng trăm câu chuyện khi quản lý lớp. “Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải trở thành một nhà tâm lý.
Nếu một trường chỉ có một giáo viên tham vấn tâm lý thì chưa đủ mà phải là 60”- TS Nguyễn Văn Hòa đề xuất. Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh đến việc các trường sư phạm chú trọng đến tâm lý giáo dục và phương pháp sư phạm cho giáo sinh.
Đặc biệt, chương trình tâm lý giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Các tình huống sư phạm thường xuyên được cập nhật, coi là nội hàm quan trọng. Các trường sư phạm phải có dự báo tình huống để trường phổ thông xử lý kịp thời.
Kiến nghị quản lý clip bạo lực
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi có sự vụ xảy ra, các nhà trường, giáo viên rất lúng túng trong xử lý. Nguyên nhân bởi các thầy cô nhiều việc, ít quan tâm đến diễn biến tâm lý cũng như tâm tư tình cảm của học sinh. Chính vì thế, các đại biểu nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền về cách phòng chống.
Nhấn mạnh đến yếu tố mạng xã hội rất nguy hiểm dẫn đến BLHĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ TT&TT quản lý các nhà mạng để xóa bỏ ngay những clip xấu, phim ảnh nước ngoài có nội dung bạo lực ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách học sinh.
Nhiều đại biểu đồng tình đề nghị chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa BLHĐ ở trong nhà trường cần được tăng cường thời lượng. “Tôi muốn các em học sinh phải khỏe mạnh về sức khỏe, tinh thần, vì thế cần thay đổi, xem xét điều tiết các môn học về đạo đức, lối sống, kỹ năng…
Đào tạo cho học sinh có đạo đức tốt thì phải bắt đầu từ các thầy cô, mẫu mực trong mọi thứ” - bà Thu Thủy đề nghị. Ở góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam đề nghị phối hợp tăng cường giáo dục cho học sinh, giáo viên về Luật Trẻ em, trong đó có quyền trẻ em. Bộ GD&ĐT triển khai ngay phương pháp và nội dung kỷ luật tích cực (kỷ luật không nước mắt) cho giáo viên và trong các trường sư phạm, đang được nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh triển khai có hiệu quả. Đồng thời truyền thông về Tổng đài quốc gia 111 không chỉ là đường dây nóng mà còn là nơi tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ và bảo mật thông tin.
"Các trường từ mầm non đến THPT phải cụ thể hóa Chỉ thị 993/CT-BGDĐT bằng kế hoạch; phân công rõ trách nhiệm của từng người trong nhà trường và phụ huynh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức để nắm bắt và giải quyết vấn đề… Thực hiện kiểm tra, giám sát để phát hiện ra người tốt; đôn đốc, nhắc nhở; xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm. Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì không được đứng lớp để làm gương." - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |