Khép lại tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 được niêm yết trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 71,82 USD/thùng, giảm 0,55 USD/thùng trong phiên và giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,30USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng.
Mặc dù giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thế giới vẫn có tuần giao dịch tăng giá thứ 4 liên tiếp.
Với những diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần, nhiều chuyên gia phân tích, từ giá dầu ngày 19/9 ghi nhận thị trường dầu thô sẽ tiếp tục được hỗ trợ mạnh trong thời gian tới nhờ các nhu cầu tiêu thụ khá bền vững. Lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá toàn cầu được đẩy mạnh, cũng như việc mùa Đông sắp tới tại các quốc gia châu Âu, châu Á… chính là cơ sở cho sự phục hồi này.
Ngược lại, nguồn cung dầu thô lại đang phải đối diện với những rủi ro từ hoạt động khai thác. Theo Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tư vấn The Price Futures Group, nhiều khả năng, hoạt động khai thác dầu thô của Mỹ ở Vịnh Mexico có thể sẽ chịu thêm một cơn bão nữa vào thời gian tới.
Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 13/9 tiếp tục xu hướng tăng của tuần giao dịch trước đó khi những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung do thị trường dầu thô lo ngại nguồn cung dầu bị thiếu hụt trong ngắn hạn khi các hoạt động sản xuất, khai thác dầu khi ở Vịnh Mexico chưa thể khôi phục, và tình trạng này được nhận định sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2021.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng, bão Ida đã khiến dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 30 triệu thùng, qua đó tạo sự thiếu hụt lớn trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô Mỹ.
Theo giới phân tích, trạng thái cân bằng trên thị trường sẽ được thiết lập trong tháng 10 khi OPEC+ vẫn đang duy trì kế hoạch tăng sản lượng, và hoạt động khai thác dầu ở Vịnh Mexico được khôi phục.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô cũng được kỳ vọng cải thiện mạnh khi tình hình thiếu hụt nhiều loại hàng hoá thiết yếu ở Mỹ, châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ở khu vực châu Á đẩy mạnh sản xuất nhằm nắm bắt thời cơ của thị trường.
Ngoài ra, giá dầu thô còn được thúc đẩy mạnh bởi tâm lý lạc quan, kỳ vọng của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu những tháng cuối năm khi các nước như Mỹ, EU bước vào mùa cao điểm mua sắm trong năm, và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD được triển khai.
Việc các nước tiếp tục lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế, xác định “sống chung” với dịch Covid-19 đã làm giảm bớt một cách đáng kể áp lực về sự gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, qua đó tạo điều kiện cho các lĩnh vực vật tải, hàng không sôi động trở lại.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm 2021 và năm 2022. Trong báo cáo hàng tháng được phát đi ngày 13/9, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2022 nhờ nỗ lực tiêm vắc xin và sự phục hồi kinh tế.
Nhu cầu dầu thô cũng sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với các dự báo trước đó, đưa nhu cầu dầu thô toàn cầu trung bình lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Giá dầu còn được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 8 đã tăng 0,7%, cao hơn rất nhiều so với mức giảm 1,8% trong tháng 7.
Giới phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu thô theo đó sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới tới khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục, tăng cường, dòng chảy lưu thông hàng hoá được nối lại, hoá tiêu dùng dồi dào hơn, các hoạt động sản xuất theo đó cũng nhộn nhịp hơn.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, khi loạt dữ liệu về thị trường nhà ở không lạc quan của Trung Quốc cũng như những nguy cơ bong bóng nợ mà nền kinh tế số 2 thế giới đang phải đối diện được phát đi, cộng với việc nguồn cung dầu thô tăng mạnh bởi hoạt động khai thác tại Vịnh Mexico trên đà phục hồi và Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách kiềm chế giá “vàng đen”, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các chính sách kiếm chế đà tăng của giá dầu với việc sẽ bán đấu giá hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này vào ngày 24/9 tới. Khối lượng dự kiện được đưa ra là 7,38 triệu thùng, tương đương với 1 ngày tiêu thụ của cả nước.